Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa đổi việc công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình

10:08, 11/08/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 47, sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 47, sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Pháp lệnh cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của nghị định hiện hành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Một số nội dung cụ thể được Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này gồm: Chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình); công nhận bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình).

Đối với bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sĩ không tái giá; nếu có cũng chỉ tập trung vào những người thuộc diện hộ nghèo, đơn thân không nơi nương tựa.

Về công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà bị chết được xem xét công nhận liệt sĩ.

Chính phủ sửa đổi dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua - khen thưởng (huy chương, huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến chế độ trợ cấp Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dự án Pháp lệnh giữ quy định hiện hành. Theo đó, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó có chế độ trợ cấp tuất hằng tháng.

Tuy nhiên, khoản 3, Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ được sửa đổi theo hướng tính từng liệt sĩ chứ không bị giới hạn không quá mức của 3 liệt sĩ như quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, theo quy định này, Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một con duy nhất là liệt sĩ sẽ có khoảng cách lớn về trợ cấp tuất hằng tháng so với bà mẹ có từ hai con liệt sĩ trở lên. Trước ngày Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành (ngày 1-9-2012), tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều có chung một mức trợ cấp tuất hằng tháng.

Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, cần trợ cấp tuất hằng tháng tính theo số liệt sĩ như dự thảo. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị trợ cấp tuất hằng tháng tính theo số liệt sĩ, song, mức tối thiểu bằng mức Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 2 thân nhân là liệt sĩ. Đa số ý kiến trong ủy ban thống nhất nhóm ý kiến thứ hai.

Không chọn nhóm ý kiến nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với Mẹ Việt Nam anh hùng, phải trợ cấp để sống được chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp. “Một con hy sinh cũng đau đớn lắm, phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).       

TTXVN

Tin xem nhiều