Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng tập hợp nữ công nhân tại các khu nhà trọ

09:12, 18/12/2020

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 6 chi hội và 201 tổ phụ nữ công nhân tại các khu nhà trọ, tập hợp được gần 4,9 ngàn nữ công nhân tại các khu nhà trọ tham gia vào tổ chức Hội.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 6 chi hội và 201 tổ phụ nữ công nhân tại các khu nhà trọ, tập hợp được gần 4,9 ngàn nữ công nhân tại các khu nhà trọ tham gia vào tổ chức Hội.

Bà Đào Thị Phượng (giữa), Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) thông báo với hội viên phụ nữ công nhân tại nhà trọ về thời gian cho trẻ đi uống vitamin A
Bà Đào Thị Phượng (giữa), Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) thông báo với hội viên phụ nữ công nhân tại nhà trọ về thời gian cho trẻ đi uống vitamin A. Ảnh: N.Sơn

Có tổ chức Hội trong khu nhà trọ, nữ công nhân nhà trọ không chỉ có nơi để giao lưu, chia sẻ mà còn được cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phụ nữ, các chính sách liên quan đến lao động nữ…

* Các cấp Hội cùng chuyển động

Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, có được kết quả này là nhờ thực hiện Kết luận 43-KL/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đề án Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là đề án 43). Sau khi có kết luận của Tỉnh ủy, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hội LHPN tỉnh khi xây dựng kế hoạch cũng xác định, Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nên nữ công nhân lao động chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, tập hợp phụ nữ công nhân nhà trọ vào tổ chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà các cấp Hội cần tập trung trong quá trình triển khai thực hiện đề án 43.

Từ nội dung kế hoạch của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các huyện, thành phố và cơ sở, nhất là ở những địa phương tập trung đông công nhân lao động đã chủ động triển khai thực hiện bằng những cách làm khác nhau.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 420 ngàn nữ công nhân lao động (chiếm tỷ lệ gần 57%), tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp dệt may, giày da… tại TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có đông nữ công nhân cần tiếp tục xem nhiệm vụ tập hợp nữ công nhân nhà trọ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng tỷ lệ tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội.

Tính đến nay, các cấp Hội LHPN H.Nhơn Trạch đã thành lập được 5 chi hội và 20 tổ phụ nữ công nhân nhà trọ với 537 hội viên. Chị Hồ Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN H.Nhơn Trạch chia sẻ, để vận động thành lập tổ chức Hội Phụ nữ trong các khu nhà trọ, Hội LHPN huyện giao chỉ tiêu và hướng dẫn các Hội cơ sở thực hiện (việc giao chỉ tiêu phụ thuộc vào số lượng nữ công nhân và số lượng nhà trọ hiện hữu tại địa phương). Các Hội cơ sở tiến hành tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ tại các khu nhà trọ. Tiếp đến, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chơi… từ đó tìm ra những nhân tố tiêu biểu làm nòng cốt tiến tới thành lập tổ chức Hội.

Bên cạnh đó, các Hội cơ sở tham mưu Ban thường vụ Hội LHPN huyện làm việc với cấp ủy địa phương, vận động các chủ nhà trọ và tiến đến thành lập các chi, tổ Hội Phụ nữ công nhân nhà trọ. Kinh phí tổ chức ra mắt chi, tổ Hội Phụ nữ công nhân nhà trọ sẽ do Hội LHPN huyện tham mưu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước… Cũng theo chia sẻ của chị Ngân, tại xã Phước Thiền, tổ chức Hội còn thành lập và duy trì hoạt động của CLB chủ nhà trọ. Thông qua các thành viên là chủ nhà trọ để xúc tiến việc thành lập các tổ phụ nữ công nhân nhà trọ.

Là đơn vị cơ sở nhưng Hội LHPN xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cũng đã thành lập được 27 tổ phụ nữ công nhân nhà trọ thu hút gần 700 nữ công nhân tham gia. Chia sẻ về kinh nghiệm vận động thành lập tổ chức Hội trong các khu nhà trọ, chị Lê Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú cho hay, để thành lập tổ phụ nữ công nhân nhà trọ phải trải qua rất nhiều bước như: xin chủ trương của cấp ủy; liên hệ với chi hội trưởng phụ nữ ấp có khu nhà trọ, chủ nhà trọ để tiếp xúc, vận động nữ công nhân tham gia. Khi các nữ công nhân đồng ý mới lập danh sách, ra quyết định thành lập và tổ chức lễ ra mắt tổ phụ nữ công nhân nhà trọ…

Theo chị Thu Trang, trong quá trình vận động thành lập, vai trò của chủ nhà trọ vô cùng quan trọng. Tại xã Thạnh Phú, chủ nhà trọ không chỉ đồng tình với việc thành lập tổ chức Hội trong khu nhà trọ mà còn hỗ trợ Hội vận động nữ công nhân tham gia; hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, thậm chí hỗ trợ cả quà tặng cho hội viên phụ nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết, giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân những tháng xảy ra dịch bệnh Covid-19…

* Chú trọng chăm lo cho nữ công nhân nhà trọ

Song song với công tác tuyên truyền, vận động thành lập các chi, tổ Hội Phụ nữ công nhân tại nhà trọ, các cấp Hội còn tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ công nhân tại các khu nhà trọ.

Hội LHPN xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) phối hợp với chủ nhà trọ tặng quà cho nữ công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Hội LHPN xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) phối hợp với chủ nhà trọ tặng quà cho nữ công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các đề án liên quan đến phụ nữ; phối hợp với liên đoàn lao động các cấp tuyên truyền các chính sách pháp luật lao động, trong đó có chính sách dành cho lao động nữ đến 100% hội viên nữ công nhân nhà trọ. Thông qua công tác tiếp xúc, tuyên truyền, tổ chức Hội đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân; việc thực hiện chính sách cho lao động nữ tại các doanh nghiệp để kiến nghị các ngành chức năng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của lao động nữ theo quy định.

Đặc biệt, theo bà Thái, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai thực hiện có hiệu quả đề án 404 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 101 của HĐND tỉnh về quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi… cho 127 nhóm trẻ tư thục, với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của con em công nhân lao động ở các khu công nghiệp, giúp nữ công nhân yên tâm lao động.

Bà Đặng Thị Phương Hảo, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.Biên Hòa cho biết, bên cạnh duy trì sinh hoạt hằng tháng, hằng quý (tùy thời điểm), các cấp Hội TP.Biên Hòa đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động cho nữ công nhân, nói chuyện chuyên đề về các chủ đề như bữa cơm gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe… nhằm trang bị cho các chị kiến thức, nhất định trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó, Hội LHPN TP.Biên Hòa còn chủ trì phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 500 hội viên nữ công nhân nhà trọ; tổ chức dạy nghề để nữ công nhân có thêm cơ hội nghề nghiệp khi gặp biến cố hoặc làm thêm.

Theo bà Đào Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), ngoài các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, thông qua các chi, tổ Hội, hội viên phụ nữ công nhân nhà trọ còn được cung cấp các thông tin liên quan đến quyền lợi của trẻ em như: đăng ký làm thẻ bảo hiểm y tế đối với trẻ sơ sinh, thời gian uống bổ sung vitamin A, các chương trình tiêm chủng dành cho trẻ em… Chị Châu Kiều Diễm, hội viên Chi hội Phụ nữ công nhân nhà trọ ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) bộc bạch, không chỉ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện gắn kết với nhiều chị em khác khiến cuộc sống ở trọ vui hơn mà từ khi tham gia vào Hội, chị được cập nhật nhiều thông tin bổ ích, nhất là quyền lợi của lao động nữ…

Bà Phượng còn cho biết thêm, tại một số chi, tổ Hội trong khu nhà trọ còn thành lập và duy trì hiệu quả mô hình tổ phụ nữ tương trợ (mỗi tổ từ 10-15 thành viên) - mỗi người đóng góp một số tiền nhất định và xoay tua hỗ trợ mỗi tháng/người (không tính lãi). Hoạt động của mô hình này đã giúp nhiều chị em giải quyết khó khăn về tài chính.

Nga Sơn

Tin xem nhiều