Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác nghiệp trong dịch bệnh

07:06, 21/06/2022

Với vai trò là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận truyền thông, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các nhà báo trên địa bàn Đồng Nai đã không quản hiểm nguy lao vào "tâm dịch" để ghi nhận, phản ánh những thông tin, hình ảnh chính xác, chân thực, khách quan nhất, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền.

Với vai trò là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận truyền thông, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các nhà báo trên địa bàn Đồng Nai đã không quản hiểm nguy lao vào “tâm dịch” để ghi nhận, phản ánh những thông tin, hình ảnh chính xác, chân thực, khách quan nhất, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền.

Nhà báo Hà Trang, Đài PT-TH Đồng Nai trong một lần tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: T.Lâm
Nhà báo Hà Trang, Đài PT-TH Đồng Nai trong một lần tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: T.Lâm

Bỏ qua sự vất vả, hiểm nguy, với họ, đó còn là những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu, từ đó thêm trân quý, thêm yêu nghiệp báo mà mình đã chọn.

* Xông pha vào tâm dịch

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp, với trách nhiệm phóng viên phụ trách lĩnh vực y tế của Báo Đồng Nai, nhà báo Hạnh Dung luôn sát cánh, đồng hành với các lực lượng tuyến đầu trong việc truyền tải những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Để ghi lại những hình ảnh chân thực và thông tin chính xác, kịp thời, chị thường xuyên “lao” đến các “điểm nóng” về dịch bệnh như: khu hồi sức Covid-19 nặng của các bệnh viện trong tỉnh, khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện dã chiến, các phòng xét nghiệm Covid-19, khu vực phong tỏa, cách ly y tế...

Chị kể, thời gian đầu, khi chưa được tiêm đủ liều vaccine cũng như chưa hiểu về virus SARS-CoV-2, việc tác nghiệp ở những điểm nóng kể trên là áp lực rất lớn đối với chị. Ở những nơi đó, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Cũng như nhân viên y tế, chị không cho phép mình được phép sơ hở. Bởi nếu bị lây nhiễm, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng sẽ bị đe dọa. Chính vì vậy, chị thường xuyên phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân kèm tấm chắn giọt bắn trước mặt.

“Do bị cận nặng, tôi phải mang kính cận bên trong, tấm chắn giọt bắn bên ngoài. Trong bộ đồ bảo hộ kèm thời tiết nắng nóng gay gắt, mồ hôi túa ra như tắm, mắt kính nhòe đi khiến việc tác nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, khi leo lên đến lầu 3 của Bệnh viện Dã chiến số 3 (ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM, đóng tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), do quá nóng bức và mệt, suýt chút nữa tôi bị ngất xỉu. Rất may, nhờ có sự hỗ trợ của nhân viên y tế tại bệnh viện, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - nhà báo Hạnh Dung nhớ lại.

Nữ nhà báo trẻ Hà Trang, Đài PT-TH Đồng Nai chia sẻ, thời gian toàn tỉnh cách ly xã hội, chị cùng 5 đồng nghiệp khác ở các bộ phận truyền hình, phát thanh, vệ tinh của Đài thực hiện “3 tại chỗ”. Với chị và đồng nghiệp, Phòng Thời sự của Đài lúc ấy trở thành “ngôi nhà” chung đúng nghĩa, để mọi người vừa làm việc, vừa sinh hoạt…

“Đó là khoảng thời gian mà tôi và đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nhân lực, song mọi người luôn nỗ lực ngày đêm gồng gánh công việc cho nhau nên chúng tôi vẫn luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Hơn thế nữa, chúng tôi cùng nhau chia sẻ cả những lo lắng, nỗi nhớ nhà; những buồn vui trong cuộc sống; cùng nhau chuẩn bị những món ăn đơn giản bằng nồi siêu tốc hay bếp điện sau những giờ chạy tin, bài miệt mài… Từ đó, mọi người thêm gắn kết, yêu thương, tình yêu với nghề, với cơ quan Đài PT-TH Đồng Nai lại ngày càng lớn hơn” - chị Hà Trang nói.

* Thêm trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu

Nhớ lại những ngày tháng tác nghiệp trong cao điểm dịch bệnh, nhà báo Lê Xuân, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Đồng Nai cũng không khỏi xúc động.

Chị chia sẻ, được phân công theo dõi mảng y tế, bản thân chị luôn cố gắng bám sát và đưa những thông tin mới nhất trong lĩnh vực này, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Bên cạnh những nỗ lực, phấn đấu trong công việc, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quá trình tác nghiệp của chị gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là đúng thời điểm đỉnh dịch chị lại đang ở tháng cuối của thai kỳ nên trong quá trình tác nghiệp ít nhiều có tâm lý lo sợ bị lây nhiễm.

“Thế nhưng, khi có mặt tại các khu cách ly y tế, tôi mới thực sự hiểu những khó khăn của mình chưa thấm tháp gì so với những hy sinh, vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu; sự cô đơn, lo sợ của các bệnh nhân F0 khi đang phải điều trị, đặc biệt là những em nhỏ phải xa gia đình, xa cha mẹ” - nhà báo Lê Xuân bộc bạch.

Còn theo nhà báo A Lộc, thường trú Báo Tuổi Trẻ tại Đồng Nai, ngoài các thành viên của lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhà báo là số ít người dân được ra đường trong lệnh giới nghiêm về đêm để tác nghiệp. “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh những cung đường đêm không một bóng người, chưa bao giờ TP.Biên Hòa yên lặng đến vậy. Tôi cũng nhớ những khoảnh khắc hỗ trợ nhau, giúp nhau từng bao gạo, rau củ quả, từng quả trứng… của người dân trong các khu phong tỏa, cách ly y tế; nhớ những hình ảnh hỗ trợ, sẻ chia, trang thiết bị, thuốc thang phòng chống dịch… Tất cả đều đầy ắp tình người” - nhà báo A Lộc nói.

Nhà báo A Lộc chia sẻ: “Thời điểm dịch bệnh Covid-19 là khoảng thời gian đáng nhớ với những người làm báo như tôi. Bởi bên cạnh những vất vả, còn là những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu, từ đó giúp tôi thêm yêu, thêm động lực để cố gắng và tâm huyết với nghề”.

Thảo Lâm


Nhà báo HÀ ANH CHIẾN, thường trú Báo Lao động tại Đồng Nai: Vào “tâm dịch” tận tay trao quà cho công nhân lao động

Bên cạnh sự lăn xả với nghề trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, đáng nhớ với tôi còn là những hình ảnh, cảm xúc khi vào “tâm dịch” tận tay trao quà cho công nhân, người lao động.

Những ngày ấy, khi công nhân, người lao động ở các tỉnh, thành phía Nam đang gặp nhiều khó khăn, Báo Lao động thực hiện chương trình hỗ trợ, góp phần giúp công nhân, người lao động vượt qua khó khăn. Tôi đã cùng cán bộ Công đoàn tỉnh Đồng Nai vào tận khu vực nhà trọ công nhân bị cách ly y tế, phong tỏa, kịp thời trao cho họ những món quà ý nghĩa. Với những công nhân chỉ làm việc đủ ăn từng bữa, việc phong tỏa phòng, chống dịch gấp gáp khiến họ lâm vào cảnh không kịp tích trữ tiền bạc, không lương thực, thực phẩm. Những gia đình có con nhỏ còn phải đối mặt với nỗi lo thiếu sữa cho con. Bởi vậy, khi nhận được thêm món quà 1 triệu đồng hỗ trợ, họ đều rất xúc động. Và cũng từ những lần gặp gỡ và chứng kiến ấy, tôi lại có thêm những bài viết sinh động, chân thực nhất về đời sống công nhân, về lòng nhân ái trong dịch bệnh...

Nhà báo CÙ THUẬN, Báo Đồng Nai: Nhiều kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên

Tôi đã có hơn 25 năm làm báo, nhưng phải nói rằng những ngày tháng tác nghiệp trong dịch bệnh là những ngày tháng đặc biệt đáng nhớ trong chừng ấy thời gian làm nghề của tôi.

Tôi được phân công theo dõi, bám sát tuyên truyền lĩnh vực quân sự quốc phòng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu chống dịch nên tôi phải liên tục bám sát để kịp thời ghi nhận những thông tin mới nhất, chân thật nhất về cuộc chiến chống dịch.

Có rất nhiều kỷ niệm trong những ngày tác nghiệp này. Như chuyện có trường hợp F0 tôi vừa mới phỏng vấn buổi sáng thì đến trưa được thông tin họ phải chuyển lên tuyến trên điều trị, rồi sau đó qua đời. Trong 11 bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh, tôi đều đến để tác nghiệp… Những câu chuyện, hình ảnh, những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy sẽ theo tôi suốt cuộc đời làm báo sau này.

Hồ Thảo (ghi)


 

Tin xem nhiều