Qua theo dõi thông tin trên Báo Đồng Nai điện tử, tôi nhận thấy báo đã xây dựng được một hệ thống nội dung phong phú ở nhiều mảng, lĩnh vực mà công chúng quan tâm. Về hình thức trình bày, nội dung có lẽ cần nhiều trao đổi về giao diện báo.
Qua theo dõi thông tin trên Báo Đồng Nai điện tử, tôi nhận thấy báo đã xây dựng được một hệ thống nội dung phong phú ở nhiều mảng, lĩnh vực mà công chúng quan tâm. Về hình thức trình bày, nội dung có lẽ cần nhiều trao đổi về giao diện báo. Tuy nhiên, cách thể hiện nội dung của quý báo là tương đối phù hợp với thói quen tiếp cận thông tin của công chúng hiện nay; thông tin được trình bày mạch lạc, nhiều hình ảnh, đoạn văn được chia ngắn 4-5 dòng phù hợp với thói quen thị giác của người đọc báo điện tử; có sản xuất nội dung video để phù hợp xu hướng chung của báo chí.
Để nâng cao hiệu quả tương tác trên Báo Đồng Nai điện tử, ngoài các chuyên mục hiện có, để tăng tương tác ở các nền tảng, có thể mở thêm một mục, hoặc chuyên mục cho bạn đọc cùng làm báo.
Để có nhiều hơn ý kiến bạn đọc, Báo có thể lấy ý kiến bằng cách đăng một status trên các mạng xã hội của Báo. Ví dụ, Báo đăng một status “Bạn nghĩ làm sao để ngã tư A không còn kẹt xe giờ cao điểm?”, “Bạn nghĩ lương tối thiểu sau khi tăng đã phù hợp hay chưa?” thì tin rằng sẽ có rất nhiều công chúng để lại quan điểm của mình thông qua bình luận. Ngoài ra, nên mở các cuộc thi viết có giải thưởng, hoặc các cuộc thi mà bài viết của họ có thể được đăng tải trên nhiều nền tảng của các tờ báo. Giải thưởng và kinh phí tổ chức có thể lấy từ các nguồn tài trợ. Các bài viết có thể đăng tải trên báo in, Báo Đồng Nai điện tử, fanpage Facebook Báo Đồng Nai (làm thành dạng ảnh đăng kèm bài viết); hoặc cho phát thanh viên đọc thành dạng podcast hoặc làm thành video và đăng trên YouTube, Facebook với những bài viết tốt.
Bên trong các bài viết, tôi nhận thấy dường như tờ báo chỉ đang quan tâm đến việc khuyến khích bạn đọc để lại bình luận; tuy nhiên, việc phải khai báo thông tin sau đó bình luận thì sẽ có rất ít khán giả thực hiện. Do đó, tôi nghĩ nên có thêm các cuộc Thăm dò ý kiến (hiện các báo điện tử lớn đang làm), kỹ thuật thực hiện các cuộc thăm dò này không khó.
Ví dụ như trong bản tin Cứu sống một phụ nữ nhảy cầu Đồng Nai (đăng ngày 19-6-2022); quý Báo có thể mở một cuộc thăm dò ý kiến “Nếu nhìn thấy một người gặp nguy hiểm dưới sông Đồng Nai, bạn sẽ làm gì. A: Gọi số 113, B. Gọi số 114, C. Gọi số 115, D. Biết bơi nên nhảy xuống cứu…”. Việc để lại những bình chọn sẽ dễ dàng hơn là những bình luận. Ngoài ra, các bình chọn này sẽ được công khai, tạo ra sự tò mò, thách thức với độc giả.
Về mạng xã hội, theo quan điểm xây dựng các fanpage kiểu mới hiện nay thì các fanpage không nên chỉ là nơi để chia sẻ link bài báo hay để quảng bá cho báo in. Fanpage nên còn là nơi cung cấp thông tin trực tiếp (mô hình VTV24), là nơi thu thập ý kiến, quan điểm của nhân dân (mô hình Trang thông tin Chính phủ). Do đó, mạng xã hội của Báo nếu chỉ dùng để “share link” sẽ khó tạo ra một cộng đồng lớn mạnh.
Do đó, tôi cho rằng, fanpage của Báo nên dành khoảng 50-60% nội dung để “share link”; 40-50% còn lại để tạo ra diễn đàn thu thập ý kiến để phục vụ lại chính nội dung tờ báo (mục 1); đôi khi, với một số thông tin, báo nên chấp nhận “hy sinh” theo dạng chia sẻ gần như toàn bộ bài báo trên mạng xã hội kèm theo hình ảnh để tăng tương tác.
Song song đó, một trong những hình thức tương tác tốt nhất là các chương trình trực tiếp. Hiện tại, YouTube, TikTok và Facebook cung cấp công cụ trực tiếp miễn phí. Báo có thể mở những chương trình trực tiếp quy mô nhỏ nhưng hướng tới số đông (đặc biệt là công nhân, nông dân).
Gia An (ghi)