Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) những năm qua trên địa bàn Đồng Nai thực tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.
[links()]Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) những năm qua trên địa bàn Đồng Nai thực tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.
Người dân được hướng dẫn chu đáo khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa P.Hiện Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Thảo |
Những hạn chế ấy đang được tỉnh nỗ lực tập trung khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, nhất là công tác cải cách TTHC để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn tới.
* Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần
Phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra Sở Nội vụ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, ở nhiều nơi, bộ phận một cửa các cấp được trang bị cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện mô hình một cửa liên thông hiện đại khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng người dân phản ảnh việc giải quyết TTHC trễ hạn vẫn còn xảy ra, vẫn còn tình trạng người dân chờ đợi để được giải quyết hồ sơ hoặc phải đi lại nhiều lần bổ sung hồ sơ. Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ ở một số đơn vị, địa phương còn phức tạp, thời gian kéo dài, chưa thật sự thuận lợi cho người dân.
Cũng theo ông Sơn, công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, kịp thời. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn chưa cao; vẫn còn những hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ, phong cách giao tiếp gây ít nhiều phiền hà cho người dân, DN. Vẫn có tình trạng công chức, viên chức điểm danh có mặt, sau đó bỏ vị trí làm việc để đi làm việc riêng. Hoặc có lịch trực tiếp công dân nhưng không có cán bộ trực, có địa phương đóng cửa phòng tiếp công dân trong giờ hành chính (tại một số đơn vị cấp xã). Những tồn tại trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện cải cách TTHC trên địa bàn…
Nhấn mạnh trong buổi làm việc với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Hành chính công tỉnh ngay trong đầu tiên trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2022, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG lưu ý: “Đội ngũ cán bộ phải làm sao để vừa hồng, vừa chuyên; phải không ngừng rèn luyện đảm bảo đạo đức, tác phong, thái độ tiếp dân phải tận tình chu đáo. Đồng thời, phải chú trọng học tập, rèn giũa để trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao hơn, bởi cán bộ có giỏi, nắm chắc nghiệp vụ thì mới hướng dẫn chu đáo cho người dân, DN. Mặt khác, trong quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ cần chú ý tuyên truyền, khuyến khích người dân, DN thực hiện DVCTT để tạo thói quen cho người dân”. |
Ông Nguyễn Trọng Hội, một người dân ngụ P.An Bình (TP.Biên Hòa), bày tỏ: “Qua một số lần đi giải quyết TTHC, tôi thấy cơ sở vật chất của bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn thành phố cũng như thái độ phục vụ của cán bộ tốt hơn nhiều so với trước đây. Song nhiều thủ tục còn phức tạp, phải cung cấp rất nhiều giấy tờ khác nhau, phải đi lại nhiều lần mới giải quyết xong. Do đó, tôi cho rằng, các cấp, các ngành cần cắt giảm bớt, cắt giảm nhiều hơn nữa TTHC để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN”.
Báo cáo tổng kết chương trình CCHC của UBND tỉnh giai đoạn 2010-2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký ban hành thẳng thắn nhìn nhận, CCHC là công việc khó khăn, phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, có những lĩnh vực còn thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, một số quy định của Trung ương về quản lý hành chính ban hành còn chậm, gây khó khăn trong việc rà soát, cập nhật sửa đổi, bổ sung TTHC của tỉnh. Một số văn bản quy phạm pháp luật như thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể có liên quan đến giải quyết TTHC thường xuyên thay đổi. Một số văn bản pháp luật của Trung ương chưa thống nhất trong cách hiểu để áp dụng trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, điển hình như trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, xây dựng…
Trong khi đó, trên địa bàn Đồng Nai, thực tế ở một số nơi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ đặt ra dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về nhiệm vụ cải cách TTHC còn chưa đầy đủ. Có nơi, có lúc còn ngần ngại, chưa quyết tâm chủ động phát huy hết trách nhiệm, vai trò trong công tác tham mưu, thực hiện CCHC. Mặt khác, hầu hết cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các đơn vị, địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi vị trí, từ đó việc kiểm tra, đôn đốc còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã...
* Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp
Thời gian qua, tỉnh chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào giải quyết TTHC, nhất là đẩy mạnh DVCTT ở mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC và tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Song đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh vẫn còn thấp. Trong đó, một số TTHC có số lượng hồ sơ lớn nhưng chưa cung cấp dưới dạng trực tuyến (đất đai, chứng thực, người có công...). Việc số hóa hồ sơ TTHC còn chậm, chưa thực hiện lưu trữ hồ sơ điện tử đáp ứng các quy định hiện hành…
Một áp-phích tuyên truyền về việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến được gắn trên vỉa hè quốc lộ 1, đoạn đi qua H.Trảng Bom |
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, về điều kiện để phục vụ cho DVCTT đã được tỉnh nâng cấp đảm bảo, song do còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nên đến nay tỷ lệ sử dụng DVCTT của tỉnh còn thấp. Thực tế cho thấy, những sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao thường đa số giải quyết thủ tục cho tổ chức, DN; sở, ngành nào chủ yếu giải quyết hồ sơ cho cá nhân, người dân thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ít hơn nhiều. Mặt khác, ở nhiều sở, ngành, tỷ lệ sử dụng DVCTT còn thấp còn do đặc thù lĩnh vực.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có thói quen sử dụng DVCTT mà chỉ muốn đến trực tiếp để làm TTHC. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ này đang còn hạn chế, nhất là ở những địa bàn vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn (thiếu máy vi tính có kết nối internet, máy scan…) nên nếu có nhu cầu thì cũng khó lòng thực hiện được.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho hay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến của đơn vị còn thấp là do nhiều thủ tục của sở có thành phần hồ sơ là các bản vẽ, khối lượng, kích thước lớn nên rất khó để thực hiện các thao tác để chuyển sang hình thức trực tuyến.
Đại diện lãnh đạo Sở GT-VT cho biết, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 của sở chưa cao. Hiện nay, chiếm đến 70% trong số hồ sơ tiếp nhận của sở liên quan đến thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Thủ tục này đang được thí điểm thực hiện DVCTT mức độ 4, song còn vướng nhiều giấy tờ, nhiều khâu nên người dân khó thực hiện. Đơn cử như DVCTT mức độ 4 thực hiện thanh toán điện tử, trong khi đối với người dân ở khu vực nông thôn, việc tiếp cận dịch vụ này còn hạn chế. Nếu thanh toán điện tử được trải rộng khắp tỉnh thì sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT hơn.
Hồ Thảo
Bài 3: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp