Đồng Nai đang quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính. Thay vì tốn thời gian và chi phí trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) ngồi tại nhà vẫn có thể được giải quyết TTHC và nhận kết quả.
Đồng Nai đang quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính. Thay vì tốn thời gian và chi phí trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) ngồi tại nhà vẫn có thể được giải quyết TTHC và nhận kết quả.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: C.Nghĩa |
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Hiện đã có trên 900 thủ TTHC của tỉnh được đưa lên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh. Người dân, tổ chức và DN đang dần làm quen với việc nộp hồ sơ qua mạng, nhận hồ sơ tại nhà với rất nhiều lợi ích”.
* Đăng ký một lần, sử dụng mãi mãi
UBND tỉnh đã thành lập Cổng DVCTT của tỉnh và giao cho Sở TT-TT vận hành. Người dân, DN và tổ chức chỉ cần đăng ký sử dụng một lần là có thể sử dụng mãi mãi với nhiều lợi ích vượt trội và khác biệt, thay thế dần cho hình thức nộp, giải quyết và trả kết quả truyền thống.
Trên Cổng DVCTT của tỉnh, hiện 17 sở, ban, ngành đã niêm yết các DVCTT mức độ 3 và 4. Dẫn đầu là Sở Công thương với 116 dịch vụ, xếp thứ nhì là Sở VH-TTDL với 106 dịch vụ, xếp thứ ba là Sở NN-PTNT với 90 dịch vụ... Nhờ phát triển được nhiều DVCTT mà nhiều sở, ban, ngành của tỉnh đã không còn phải cử chuyên viên trực tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để tiếp nhận TTHC bằng giấy tờ. Hiện đã có trên 900 DVCTT được niêm yết trên Cổng DVCTT của tỉnh phục vụ người dân, DN và tổ chức.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Khuyến khích người dân sử dụng DVCTT Tỉnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN sử dụng DVCTT bằng cách sẽ tiến tới miễn giảm phí, lệ phí đối với các TTHC thực hiện trực tuyến, nhất là thủ tục ở cấp huyện, cấp xã để người dân tham gia sử dụng nhiều hơn. Phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 50% dịch vụ phí, lệ phí thanh toán trực tuyến. |
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đặng Thanh Thủy cho hay, Sở Ngoại vụ hiện đã có 6 DVCTT đạt mức độ 4, tiếp nhận, xử lý hoàn toàn qua không gian mạng và trả qua hệ thống bưu điện. Trong đó, có dịch vụ cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc tại tỉnh thuộc thẩm quyền của Sở Ngoại vụ giải quyết, hay cho phép cán bộ, viên chức đi nước ngoài về việc riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh… Những nỗ lực đưa ngày càng nhiều DVCTT phục vụ cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước góp phần tạo sự thân thiện với bộ máy chính quyền.
Từ năm 2021, Sở GD-ĐT đã không còn phải cắt cử chuyên việc trực tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người dân và tổ chức. Thay vào đó, Sở GD-ĐT tiếp nhận các thủ tục qua Cổng DVCTT của tỉnh, sau đó xử lý và chuyển kết quả cho bưu điện chuyển đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết hồ sơ. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh chia sẻ: “Tiếp nhận và giải quyết TTHC qua Cổng DVCTT của tỉnh mang lại nhiều tiện lợi cho Sở và cả người dân, tổ chức, trong đó lãnh đạo có thể biết được việc tiếp nhận và xử lý của cấp dưới, tăng tính minh bạch”.
* Cần nhiều “công dân số”
Anh Nguyễn Văn Giáp, chuyên viên phụ trách DVCTT Trung tâm Hành chính công tỉnh chia sẻ: “Giải quyết TTHC thông qua DVCTT mang lại lợi ích to lớn cho tất cả cá nhân, tổ chức và DN. Khi các thủ tục được xử lý qua mạng từ khâu tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thì các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã sẽ không phải đầu tư mở rộng các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa. Cá nhân, tổ chức, DN sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại để giải quyết TTHC”.
Chị Phạm Thị Cúc Hoa (ở xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) cho biết, tháng 6 vừa qua, chị có làm thủ tục xin chuyển trường cho con từ TP.HCM về Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh). Thay vì phải đưa hồ sơ lên Sở GD-ĐT nộp, chị đăng ký tải khoản trên Cổng DVCTT của tỉnh và nộp hồ sở trên cổng này. Các giấy tờ cần thiết của thủ tục chuyển trường được ghi khá rõ. Sau thời gian ngắn, chị nhận được kết quả chấp thuận của Sở GD-ĐT gửi qua bưu điện và đến nay con chị đã được giải quyết chuyển trường.
Anh Phạm Quốc Phong, cán bộ Phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tỏ ra hài lòng khi lĩnh vực LĐ-TBXH trên Cổng DVCTT của tỉnh có rất nhiều thủ tục liên quan đến DN đã đạt đến mức độ 4. Chẳng hạn, dịch vụ đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp giao kết, đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập dưới 90 ngày, cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam, xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp phép lao động, đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài…
Trên Cổng DVCTT của tỉnh, trong số 11 đơn vị cấp huyện, hiện có 10 đơn vị có 184 DVCTT mức độ 3 và 4. TP.Biên Hòa là địa phương có số lượng dịch vụ công mức độ 3 và 4 thấp nhất với 182 dịch vụ. Nhiều thủ tục thuộc hàng thiết yếu, người dân cần giải quyết nhiều đã được đưa lên Cổng DVCTT ở đơn vị cấp huyện. Chẳng hạn như cấp bản sao văn bản, chứng chỉ số gốc, thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch, cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của đơn vị cấp huyện…
Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Bùi Quốc Thể cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính là xu thế tất yếu. Nếu không quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực này thì khó thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Do đó, phải tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt và mạnh dạn sử dụng, phải thay đổi tư duy, mỗi người dân cần tự giác “nâng cấp” mình thành những công dân số, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Công Nghĩa