Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào truyền thống lịch sử Đảng bộ địa phương

03:10, 31/10/2022

Để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt giới trẻ luôn trân trọng truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có Đảng bộ TP.Biên Hòa đã chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành, địa phương.

Để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt giới trẻ luôn trân trọng truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có Đảng bộ TP.Biên Hòa đã chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành, địa phương. Qua đó còn tạo sự thống nhất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa tìm đọc các tài liệu về lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: P.HẰNG
Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa tìm đọc các tài liệu về lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: P.HẰNG

Tích cực biên soạn, xuất bản sách

Phó bí thư thường trực Đảng ủy P.Tam Phước Phan Văn Thu chia sẻ, để mỗi cuốn sách lịch sử được biên soạn có chất lượng thì việc sưu tầm tư liệu lịch sử là nhân tố quan trọng nhất, nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn. Vì mỗi địa phương có đặc điểm tự nhiên, quá trình hình thành, phong tục tập quán, phong trào cách mạng khác nhau; các nhân chứng lịch sử thời kháng chiến đến nay đã già yếu, trí nhớ suy giảm và một số đã qua đời; tư liệu thành văn rất hạn chế, đa phần đã bị thất lạc, hư hỏng. Trước những khó khăn này, Thường trực Đảng ủy phường xây dựng kế hoạch chi tiết, phân kỳ thực hiện cụ thể và phân công trách nhiệm từng cấp ủy viên, qua đó đã xuất bản được ấn phẩm lịch sử Đảng địa phương đúng dịp Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa HUỲNH TẤN ĐẠT chia sẻ, thời gian tới Biên Hòa tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền các công trình lịch sử Đảng, qua đó góp phần nâng cao công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tại P.Tân Hạnh, trên cơ sở của cuốn sách Tân Hạnh những chặng đường lịch sử đã được xuất bản năm 1994, Đảng ủy phường đã chỉ đạo biên soạn bổ sung lịch sử Đảng bộ phường giai đoạn 1945-2020. Kết quả, tháng 6-2020, phường đã hoàn thành và xuất bản Lịch sử Đảng bộ phường giai đoạn 1945-2020. Bí thư Đảng ủy P.Tân Hạnh Bùi Thị Thu Thủy cho hay, cuốn Lịch sử Đảng bộ phường gồm 205 trang, là công trình khoa học với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, đông đảo của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử và đóng góp tâm huyết, trí tuệ của nhân dân.

Để nâng cao giá trị sử dụng sách lịch sử Đảng, các cấp ủy trên địa bàn TP.Biên Hòa đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Trong đó, tại Đảng bộ Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng, giao ban đơn vị hằng tuần hay Ngày Chính trị văn hóa tinh thần và pháp luật, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị đều lồng ghép nội dung tuyên truyền lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, phát triển đất nước cũng như truyền thống vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, lịch sử lực lượng vũ trang thành phố qua các thời kỳ…

Ngoài ra, đã tổ chức các hoạt động về nguồn, hành trình tìm về địa chỉ “đỏ”, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ…

Tự hào truyền thống lịch sử dân tộc

Anh Phạm Duy Anh, đoàn viên Đoàn P.Tam Hiệp bộc bạch, khi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ TP.Biên Hòa, anh rất tự hào về vùng đất mình đang sinh sống và làm việc. TP.Biên Hòa từ xa xưa, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, luôn là một địa bàn quan trọng có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế.

Trong 2 cuộc kháng chiến, kẻ thù luôn lấy Biên Hòa làm nơi xây dựng những căn cứ, kho tàng quân sự lớn (như sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình…) và lập các cơ quan đầu não chỉ huy đánh phá cách mạng ở miền Đông (như quân đoàn 3, nha cảnh sát miền Đông, Bộ Tưlệnh dã chiến Mỹ…). Để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã xây dựng được nhiều xóm, ấp, lõm chính trị, tạo thế bám trụ xây dựng lực lượng và tiến công kẻ thù, tiến công các căn cứ, kho tàng, cơ quan đầu não của địch. Đó là các ấp Bình Đa, An Hảo (thuộc các phường Bình Đa và An Bình ngày nay); Gò Me, Lân Thị (thuộc P.Thống Nhất ngày nay); Bình Quang, Bình Kính, Hòa Quới, Bình Tự (thuộc P.Hiệp Hòa ngày nay)…

Với việc sớm xây dựng phong trào cách mạng và nhân dân có truyền thống yêu nước nồng nàn, Biên Hòa đã cùng cả nước tạo nên những mùa xuân không quên trong lịch sử dân tộc, như xuân Mậu Thân 1968, xuân Kỷ Dậu 1969 và mùa xuân 1975- giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt, đến nay ở cấp thành phố, đã hoàn thành và xuất bản công trình biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP.Biên Hòa 1945- 2015; Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp 2-12-1956; Biên Hòa, tự hào và phát triển, Biên Hòa xưa… Đối với cấp phường, 30/30 phường, xã đã hoàn thành và xuất bản lịch sử Đảng bộ của địa phương.

Các công trình sách lịch sử nói trên đều đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí, tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phương Hằng

Tin xem nhiều