Hơn 35 năm phục vụ trong ngành Công an, năm 2014, bà Trần Thị Hồng Sương (ở KP.3, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, với tinh thần gương mẫu của đảng viên, bà vẫn miệt mài làm việc.
Hơn 35 năm phục vụ trong ngành Công an, năm 2014, bà Trần Thị Hồng Sương (ở KP.3, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, với tinh thần gương mẫu của đảng viên, bà vẫn miệt mài làm việc.
Bà Trần Thị Hồng Sương dành thời gian tìm hiểu thêm về các mô hình hoạt động hiệu quả của phụ nữ trên internet để áp dụng vào hoạt động của chi hội. Ảnh: N.SƠN |
Sau khi nghỉ hưu, bà Sương tiếp tục học và mở trung tâm gia sư vừa tạo việc làm cho những giáo viên về hưu, sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm, vừa củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh sau giờ lên lớp.
Đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”
Bà Sương chia sẻ, trước đây gia đình bà có nhà cho thuê mở trung tâm gia sư. Sau khi về hưu, bà được mời làm quản lý trung tâm gia sư. Trong quá trình quản lý trung tâm, bà nhận thấy giáo viên của trung tâm chỉ chú trọng dạy kiến thức mà ít quan tâm đến việc rèn chữ cho học sinh. Trong suy nghĩ của bà, việc viết chữ đẹp sẽ góp phần xây dựng, hình thành nhân cách con người, vì vậy bà đã đăng ký luyện viết chữ đẹp để có điều kiện rèn thêm cho học sinh học ở trung tâm. Nhờ chịu khó học, rèn luyện thêm ở nhà nên chỉ sau vài tháng bà đã chinh phục được những nét chữ khó, hoàn thành chương trình rèn chữ đẹp.
Với những đóng góp tích cực, bà TRẦN THỊ HỒNG SƯƠNG vinh dự được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2017-2021). Năm 2022, bà được Đảng bộ P.Thống Nhất tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. |
Đúng lúc ấy, trung tâm gia sư mà bà làm quản lý chuyển đi nơi khác. Thấy nhiều phụ huynh và các em học sinh đã quen với địa điểm này nên bà quyết định tự mình tuyển chọn giáo viên, mở trung tâm gia sư. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng giảng dạy, yêu cầu đầu tiên mà bà đặt ra khi tuyển chọn giáo viên cho trung tâm chính là cái tâm đối với học trò, là sự linh hoạt trong các bài giảng để đem đến những kiến thức mới cho học sinh.
Không chỉ điều hành hoạt động của trung tâm, bà còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Để làm được điều này, từ khi mở trung tâm gia sư đến nay, bà không ngừng học. Bà tìm mua sách để nghiên cứu nội dung chương trình học của học sinh ở hầu hết các cấp học và soạn thành những bài giảng. Thêm vào đó, bà nghiên cứu thêm các loại sách bài tập nâng cao để có thêm những phương pháp giải bài tập hay, mới lạ cho học sinh.
“Thấy tôi hơn 60 tuổi vẫn hì hụi nghiên cứu, soạn giáo án, bạn bè và các con đều khuyên tôi nghỉ ngơi, nhưng nghĩ đến ánh mắt học trò vui mừng, phụ huynh phấn khởi khi con cháu họ đạt được thành tích cao hoặc tiến bộ trong học tập, tôi không cho phép mình dừng lại” - bà Sương bộc bạch.
Tích cực với công tác phụ nữ
Vừa nghỉ hưu, chuyển về Chi bộ KP.3, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) sinh hoạt, bà Sương được bầu vào cấp ủy và được phân công phụ trách theo dõi hoạt động của Chi hội phụ nữ khu phố.
Từ khi được cấp ủy phân công phụ trách hoạt động của chi hội, bà Sương đã tích cực hỗ trợ hoạt động của chi hội. Bà Sương cho biết, thời gian công tác trong ngành Công an, bà cũng đảm nhận vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ cơ sở nhiều năm nên việc phụ trách theo dõi, hỗ trợ công tác Hội và phong trào phụ nữ của khu phố là cơ hội để bà tiếp tục phát huy kinh nghiệm của mình. Từ thời điểm đó, bà hỗ trợ hầu hết các hoạt động của chi hội từ việc soạn thảo, in ấn văn bản đến việc đi cơ sở, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động của chi hội.
Cách đây 2 năm, chi hội trưởng phụ nữ của khu phố có nguyện vọng được nghỉ ngơi nên cấp ủy khu phố đề xuất, hội viên phụ nữ tin tưởng bầu bà Sương làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.3. Mặc dù bận rộn với công việc ở trung tâm gia sư nhưng nhiệm vụ cấp ủy phân công bà không thể từ chối, thay vào đó là nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Với kinh nghiệm nhiều năm làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ cơ sở, điều mà tôi trăn trở khi nhận nhiệm vụ không phải là kỹ năng, nghiệp vụ mà là làm sao để hoạt động của chi hội ngày càng phát triển, không phụ sự tin tưởng của chị em” - bà Sương nói.
Xuất phát từ niềm trăn trở ấy, bà tìm đọc trên internet các bài viết về các mô hình hoạt động của chi hội phụ nữ và nhận thấy điểm chung của các mô hình hoạt động hiệu quả đều xuất phát từ hội viên phụ nữ. Đồng thời, bà thường xuyên gặp gỡ, sâu sát với chị em phụ nữ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ làm cơ sở để tổ chức các hoạt động của hội.
Trong quá trình triển khai phong trào thi đua, cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của hội, bà đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ. Trong đó, bà đã thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ tương trợ, tổ xoay vòng vốn để huy động nguồn vốn nhàn rỗi hỗ trợ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bà vận động hiện kim, hiện vật để tổ chức thăm hỏi trường hợp ốm đau, ma chay, hội viên khó khăn, trao học bổng cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Từng công tác trong ngành Công an nên bà còn hỗ trợ tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ, nhất là các vấn đề liên quan đến hôn nhân - gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình…, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
Nga Sơn