Cách đây 80 năm, bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời khi Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về lĩnh vực văn hóa, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước suốt 80 năm qua.
Cách đây 80 năm, bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời khi Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về lĩnh vực văn hóa, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước suốt 80 năm qua.
Đề cương văn hóa Việt Nam gồm có 5 phần; trong đó, phần nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp đã chỉ ra những thủ đoạn của Pháp và Nhật nhằm trói buộc và bóp chết văn hóa Việt Nam. Điều này làm cho tiền đồ văn hóa Việt Nam rơi vào 2 ức thuyết: “Nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn thấp kém. Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới. Hai ức thuyết, cái nào sẽ trở nên sự thật? Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ 2 trở nên sự thật”.
Đề cương văn hóa năm 1943 cũng chỉ rõ 3 nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa của nước ta trong giai đoạn này, đó là: “dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Muốn cho 3 nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”.
Ngay phần đầu tiên của đề cương chỉ rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Đây được xem như kim chỉ nam, soi đường, mở lối để văn hóa Việt Nam phát triển đúng với tầm vóc của lịch sử dân tộc. Điều này một lần nữa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 ngày 24-11-2021: “Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hóa, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945”.
Minh Ngọc