Đêm 1-3, tôi không ngủ. Trước đó, Nhà báo Minh Nguyệt - con gái nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Nai Lê Tân gọi điện cho tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất với giọng nghẹn ngào "Kim Loan ơi! Ông già mất thật rồi. Từ lúc 4 giờ chiều mà các anh chị ngoài đó giấu, nói ông mệt, chân ông lạnh".
Đêm 1-3, tôi không ngủ. Trước đó, Nhà báo Minh Nguyệt - con gái nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Nai Lê Tân gọi điện cho tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất với giọng nghẹn ngào “Kim Loan ơi! Ông già mất thật rồi. Từ lúc 4 giờ chiều mà các anh chị ngoài đó giấu, nói ông mệt, chân ông lạnh”.
18 giờ 30, Nguyệt và con trai lên máy bay về Thanh Hóa. Tôi với Hồ Lan, nhân viên Phòng Hành chính trị sự của Báo Đồng Nai thời cụ Lê Tân - mà chúng tôi gọi là chú Hai làm Tổng biên tập, gọi điện hội ý với nhau và tìm vé bay chuyến sớm đi Thanh Hóa vào sáng hôm sau.
Chú Hai Tân chỉ hiện diện ở báo 5 năm (từ 1978-1983). Nhưng chú đã cho đội ngũ nhà báo trẻ tuổi đời, non tuổi nghề như chúng tôi một tư duy, tầm nhìn về nghề báo.
Ngày ấy, phong trào chống tiêu cực đã được nhen nhóm từ CT 228 của Trung ương. Và nhà báo như được rèn luyện thêm tinh thần, ý chí và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trong vai trò xây và chống.
Trong những buổi điểm báo lúc bấy giờ, chúng tôi được ông chỉ ra những nhân tố mới, nhân tố điển hình trên các lĩnh vực qua các tin, bài của phóng viên. Sau đó, có những vấn đề ông đích thân chỉ đạo, tổ chức thành đoàn về cơ sở tìm hiểu kỹ tình hình thực tiễn để lên kế hoạch tuyên truyền. Có thể nói việc phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến là thế mạnh của Báo Đồng Nai lúc bấy giờ đã tạo ra những nhân tố mới, mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo nên phong trào các địa phương, đơn vị thi đua xây dựng các cánh chim đầu đàn trong các lĩnh vực, Báo Đồng Nai cũng đã mạnh dạn viết về những điều tiêu cực nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những vụ nổi tiếng lúc bấy giờ là Báo Đồng Nai đã đi sâu điều tra những bất cập trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp của Công ty May Đồng Nai, bảo vệ những công nhân lao động dám lên tiếng về những tiêu cực của nhà máy. Kết quả sau thời gian nêu những tiêu cực của doanh nghiệp, Bộ Công nghiệp đã công nhận những sai trái của đơn vị và cảm ơn Báo Đồng Nai.
Trong đấu tranh chống tiêu cực, chú Hai Tân đã truyền cho chúng tôi sự kiên trì và bình tĩnh trong các bước đi, không nóng vội, không “chụp mũ” mà để sự việc tự nói lên “bệnh tật” của nó.
Nhà giáo Lê Châu, người con thứ ba của chú Hai Tân kể rằng: “Ông chỉ biết làm báo, không biết nấu cơm, rửa bát, quét dọn nhà cửa, nhưng những người biết ông thì nói, ông không biết những thứ đó nhưng ông viết diễn văn rất hay, ít ai ở địa phương bì kịp”.
Nhà báo Xuân Lập, con rể chú Hai thì nói: “Ông lúc nào cũng đau đáu, thương nhớ miền Nam, khi trí nhớ đã nhầm lẫn nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nhắc con gái Minh Nguyệt là bố con mình chuẩn bị để vào Biên Hòa, Đồng Nai con nhé”.
Còn chị Hồ Lan nói: “Ông biết chuyện gì khó khăn của cấp dưới là luôn tìm cách chia sẻ, giúp đỡ ngay và luôn tạo cho nhân viên sự tin cậy, xóa bớt mặc cảm về cấp trên, cấp dưới”.
Trong những người đến viếng ông, có những người biết ông từ mấy chục năm trước và nhắc lại cho chúng tôi nghe về sự uyên bác và cách ứng xử nhân văn của ông trong các vấn đề.
Có lẽ ông ra đi thanh thản vì chữ tình dành cho ông quá dày. Chỉ liếc qua những dòng tình cảm dành cho ông trên Facebook, Zalo của những nhân viên, phóng viên biết ông mới thấy rõ phẩm chất của một người đầy đủ yêu thương, nghị lực trong công việc và trong ứng xử.
Rất khó tìm được một Tổng biên tập, một nhà báo, một chú Hai rất người, đậm chất cách mạng và lãng mạn.
Vĩnh biệt chú Hai Lê Tân thương yêu của tụi cháu.
Kim Loan