Dinh Độc Lập không chỉ thu hút du khách trong nước, nước ngoài bởi những giai thoại, ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn mà còn bởi kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Dinh Độc Lập không chỉ thu hút du khách trong nước, nước ngoài bởi những giai thoại, ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn mà còn bởi kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Người “thổi hồn” cho công trình này là ông Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt Khôi Nguyên giải La Mã về kiến trúc vào năm 1955.
Dinh Độc Lập với kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Lâm Viên |
Kiến trúc Dinh Độc Lập tạo được ấn tượng bởi sử dụng hài hòa các yếu tố cơ bản như: gió, nước và ánh sáng tự nhiên; đồng thời ẩn chứa triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính dân tộc Việt.
Triết lý phương Đông thể hiện rõ nét qua các chiết tự chữ Hán. Tổng thể mặt bằng có dạng chữ CÁT (吉) có nghĩa là tốt lành, may mắn. Lầu thượng có dạng chữ KHẨU (口) đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Cột cờ ngay chính giữa tạo thành chữ TRUNG (中) gợi sự trung chính. Mái hiên lầu thượng, bao lơn danh dự và mái đón tạo thành chữ TAM (三) thể hiện sự nhân ái, văn minh, kiên định. 3 nét ngang của chữ TAM nối với nhau bởi nét sổ, trên có kỳ đài tạo thành chữ CHỦ (主), ý nói về quyền lực của nguyên thủ quốc gia. Các đường nét trên mặt tiền tòa nhà tạo thành chữ HƯNG (興), thể hiện khát vọng hưng thịnh.
Giữa đô thị sôi động, hiện đại, Dinh Độc Lập có khuôn viên 12ha với một kiến trúc xanh, độc đáo đã tạo nên điểm nhấn cho TP.HCM. |
Ấn tượng về nghệ thuật kiến trúc của Dinh Độc Lập còn là rèm hoa đá mặt tiền của dinh bao quanh lầu 2, được thiết kế bởi điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện cố đô Huế, không chỉ làm tăng vẻ đẹp của dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời.
Trong thư gửi người thân, điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế miêu tả: “Tấm vách ngăn chạm lộng mà tôi thiết kế từ mùa hè năm trước đang được triển khai thực hiện. Kết quả sơ bộ rất khả quan và thực tế đã bắt đầu nhận được những lời tán thưởng. Xin nhắc lại rằng, sản phẩm cao 2,3m và bề rộng tại chân là 0,85m; trọng lượng 400kg. Nhìn cận cảnh thì rất đồ sộ và ấn tượng nhưng nhìn từ xa thì hạng mục này khá là hài hòa với kiến trúc tổng thể…”.
Những người lần đầu tiên đến với Dinh Độc Lập sẽ cảm nhận được sự rộng lớn, xa hoa của công trình này với 95 phòng. Mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi phòng như: phòng khánh tiết, phòng nội các, phòng đại yến, phòng làm việc của tổng thống, phòng giải trí…
Điểm hấp dẫn du khách còn được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ “Tứ phương vô sự lầu”. Theo ý tưởng của người thiết kế công trình - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, không gian này chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia tìm đến để an tâm, tĩnh trí trước những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Tuy nhiên, tổng thống của chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã biến nơi đây thành nơi tổ chức vũ hội với sức chứa hơn 100 khách…
Đặc biệt, tại Dinh Độc Lập còn có hầm do trung tá, kỹ sư Phan Văn Điển, chỉ huy trưởng công trường Dinh Độc Lập thiết kế. Hầm dài 72,5m, rộng 0,8-22,5m. Các phòng trong hầm liên kết với nhau bằng những lối nhỏ đúc bê tông, tường bọc thép 5mm và được trang bị hệ thống thông gió. Trong hầm có khu vực trú ẩn với sức chịu bom 2 tấn. Trong trường hợp khẩn cấp, Tổng thống xuống đây bằng thang bộ nối từ phòng làm việc ở tầng 2. Khi Dinh Độc Lập bị ném bom ngày 8-4-1975, gia đình Nguyễn Văn Thiệu đã trú ẩn tại đoạn hầm này.
Thùy Trang - Thảo Nguyên