TikTok - thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) vốn là nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau. Từ những nội dung thuần túy giải trí, nền tảng hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới này đang đặt ra nhiều lo ngại khi xuất hiện nhiều nội dung độc hại, chống phá Đảng, Nhà nước…
TikTok - thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) vốn là nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau. Từ những nội dung thuần túy giải trí, nền tảng hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới này đang đặt ra nhiều lo ngại khi xuất hiện nhiều nội dung độc hại, chống phá Đảng, Nhà nước…
TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng |
* Nhiều vi phạm trên TikTok
Tại họp báo cung cấp thông tin hoạt động 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT-TT diễn ra mới đây, nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam đã được công bố.
Để ngăn chặn những thông tin độc hại, sai trái trên nền tảng xã hội, Bộ TT-TT cho biết, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Dự kiến vào tháng 5 tới, Bộ TT-TT sẽ tiến hành kiểm tra đối với TikTok nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. |
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) Lê Quang Tự Do, trong 3 năm vừa qua, TikTok đã phát triển rất mạnh với số lượng người dùng tăng nhanh tại thị trường Việt Nam, nhưng sự phát triển này lại không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng. Theo đó, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em. Nghiêm trọng hơn, TikTok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng. Ngoài ra, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả dẫn đến tình trạng nhiều hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên TikTok shop. Không quản lý chặt chẽ để một số idol (thần tượng) sử dụng nền tảng của mình truyền bá nội dung lệch lạc, lệch chuẩn, nhảm nhí, thiếu văn hóa. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là phim ảnh. Không có biện pháp quản lý việc người dùng TikTok tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác, vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ cá nhân riêng tư của con người.
Thực tế, dễ dàng bắt gặp những trào lưu phản cảm, thậm chí là độc hại trên TikTok như: trò đùa tình dục, nhảy múa khoe thân, kỳ thị vùng miền, truyền bá mê tín dị đoan, miệt thị người nghèo hay các trò chơi, thử thách nguy hiểm đối với người chơi. Thời gian qua, một số bài hát có thông tin xuyên tạc lịch sử dân tộc lại được các Tiktokers sử dụng và thậm chí tạo thành trend; các video giới thiệu, trích đoạn những sản phẩm ca nhạc, phim có nội dung độc hại, xuyên tạc lịch sử, văn hóa đất nước vẫn còn xuất hiện trên nền tảng này.
* Bộ lọc nội dung độc hại
Theo Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong tốp 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng. Điều này cho thấy hàng ngày một lượng rất lớn các nội dung được sáng tạo, chia sẻ trên nền tảng này được người dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ tiếp cận.
Khác với các mạng xã hội khác, theo phân tích của các chuyên gia, với Tiktok, người dùng không cần truy cập trang và gõ tìm kiếm, thay vào đó những nội dung trên TikTok sẽ tự động hiển thị, tìm đến người dùng. Do đó, nếu không tỉnh táo, người dùng, nhất là giới trẻ, rất dễ bị hấp dẫn, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm, tin giả, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức được phát tán trên nền tảng này.
Với thuật toán của mình, TikTok sẽ tự động hiển thị những nội dung người dùng quan tâm thông qua việc tích cực phản hồi về các video được hệ thống đề xuất, thời gian xem, lượt tương tác… Do đó, nếu người dùng không trang bị bộ lọc riêng cho mình, bị hấp dẫn bởi các nội dung độc hại thì các nội dung này lại càng hiển thị nhiều và lặp đi lặp lại như một thói quen khi người dùng lướt TikTok. Đặc biệt, có những nội dung “lạ”, “độc”, thậm chí là quái gở, phản cảm lại càng thu hút nhiều người xem, được đề xuất, lên xu hướng và viral (phổ biến) hơn. Mặt khác, với thuật toán của TikTok, bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Về giải pháp xử lý vấn đề này, theo Bộ TT-TT, sắp tới Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét, cùng với đó là xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh…
Với mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội hiện còn nhẹ, trong khi món lợi từ quảng cáo truyền thông lớn dẫn đến nhiều người vẫn “sáng tạo” ra những nội dung độc hại để thu hút người xem. Bên cạnh đó, nhiều nội dung chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước vẫn được các thế lực thù địch lồng ghép, cài cắm phát tán trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, bên cạnh các giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ trong việc xóa các nội dung độc hại thì mỗi người dùng cần lựa chọn cho mình những nội dung phù hợp với lứa tuổi, sở thích; trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhận diện và ngăn chặn những nội dung sai trái, độc hại.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần định hướng, cung cấp cho con em mình những kiến thức về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Từ đó giúp người trẻ nhận thức về tác hại của các nội dung xấu, độc, cách xác định và báo cáo nội dung vi phạm, đồng thời trở thành một người dùng văn minh, tích cực trên các nền tảng trực tuyến.
Nhiều nước cấm sử dụng TikTok Do lo ngại rủi ro đối với an ninh quốc gia, ngày càng có nhiều quốc gia thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ. Quốc hội Anh vừa thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị và mạng của cơ quan lập pháp nhằm đảm bảo an ninh mạng. Các trường đại học tại Cộng hòa Séc cũng đang kêu gọi đội ngũ giảng viên, nhân viên và sinh viên gỡ cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên các thiết bị dùng để kết nối với mạng của nhà trường. Lời kêu gọi này được đưa ra dựa trên khuyến cáo của Cơ quan An ninh mạng và thông tin quốc gia Cộng hòa Séc (NUKIB) về việc TikTok gây ra những mối đe dọa về an ninh. Chính phủ Australia ngày 4-4 vừa qua cũng thông báo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ, do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc gia. Với quyết định này, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ. |
Nhật Hạ