Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy lùi chiêu 'truyền thông bẩn' nhắm vào lực lượng công nhân lao động

07:06, 07/06/2023

Đối với các đối tượng cơ hội, bất mãn về chính trị và các thế lực thù địch chống phá cách mạng, đời sống của công nhân lao động luôn là một trong những "mảnh đất màu mỡ" để tập trung khai thác xuyên tạc, chống phá với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Đối với các đối tượng cơ hội, bất mãn về chính trị và các thế lực thù địch chống phá cách mạng, đời sống của công nhân lao động luôn là một trong những “mảnh đất màu mỡ” để tập trung khai thác xuyên tạc, chống phá với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Bởi lẽ, không ai khác, chính công nhân là lực lượng sản xuất đông đảo, tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội; “đánh” vào lực lượng công nhân chính là “đánh” trực diện vào đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Quan trọng hơn, tác động đến giai cấp công nhân cũng chính là tác động trực diện đến Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Lật mặt chiêu trò của các thế lực thù địch

Lợi dụng tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành và cuộc khủng hoảng kinh tế tiền tệ, năng lượng trên toàn cầu, xung đột giữa Nga - Ukraine, các thế lực phản động đã không ngừng mở các bàn tròn bình luận, đưa tin xuyên tạc nhắm vào công nhân lao động, nhất là về đời sống, việc làm. Từ đó dẫn dắt, kích động tâm lý người lao động nhằm gây ra sự bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội cũng như môi trường đầu tư của nước ta…

Các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị luôn nhắm vào đời sống công nhân lao động để thực hiện các hành vi chống phá. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh
Các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị luôn nhắm vào đời sống công nhân lao động để thực hiện các hành vi chống phá. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh

* Không ngừng xuyên tạc

Trang Facebook cá nhân SLTV-TNTD, tự giới thiệu là một CLB giao lưu có trụ sở đóng tại nước ngoài có hơn 123 ngàn người theo dõi, vào cuối tháng 1-2023 đã mở “bàn tròn bình luận” về đời sống người lao động (NLĐ) Việt Nam. Video muốn gây chú ý với người xem khi mở đầu đã so sánh: “Khi những doanh nghiệp nhỏ gặp những khó khăn và thách thức, chính phủ (nước ngoài, các nước tư bản - người viết) đưa ra các khoản hỗ trợ rất nhiều. Đi xa hơn là NLĐ, người dân mất việc làm vẫn được trợ cấp… không cần phải lo lắng đến cái ăn cái mặc. Nhưng đối với người dân Việt Nam thì khi bị lừa đảo trái phiếu, bị thất nghiệp như vậy thì chính phủ Việt Nam có đưa ra các biện pháp gì để hỗ trợ người dân không anh?”.

Nhân vật trò chuyện dẫn dắt: “chúng ta hãy xem người dân Việt Nam trong nước ăn Tết như thế nào” bằng cách trích dẫn thông tin sai sự thật: “cạn tiền lại mất việc, lao động nghèo bới rác kiếm thức ăn, quần áo mới đón Tết”, “cơm không có ăn, ăn Tết ra sao?”…

Điều đáng nói, với thông tin sai sự thật này, cơ quan chức năng gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc và khẳng định đây là thông tin sai sự thật, đã công bố trên các phương tiện truyền thông trước đó nhiều ngày. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn cố tình phớt lờ sự thật và tập trung xoáy sâu vào chi tiết “hút” view này. Nếu tinh ý, người xem video cũng nhận ra độ kệch cỡm, dị hợm của người đăng tin sai sự thật khi thông tin “bới rác” mà đòi “quần áo mới”(!?).

Trong video này, blogger Đ.C đóng vai trò như một khách mời, một “chuyên gia kinh tế” “phân tích” tình hình sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Các đối tượng cơ hội chính trị không ngừng dẫn dắt, vẽ lên bức tranh u ám, tiêu cực về kinh tế - xã hội của Việt Nam bằng cách “khoét sâu”, “tô đậm” vào những thông tin chưa được kiểm chứng về một số hạn chế của nền kinh tế hoặc những vụ việc về kinh tế, tham nhũng mà các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra, xử lý.

* Liên tục kích động

Những hành vi cùng luận điệu xuyên tạc, vu khống, thâm độc của các đối tượng cơ hội chính trị tuy không thể làm suy yếu lực lượng giai cấp công nhân, không thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta… nhưng rất nguy hiểm. Bởi chúng tạo ra những làn sóng nhiễu đen tối, gây khó khăn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay nước ta đang tập trung hồi phục kinh tế sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng chính trị - quân sự - kinh tế ở một số nơi trên thế giới.

Không chỉ bôi đen bức tranh kinh tế của Việt Nam, các bài viết, video được các thế lực thù địch sử dụng trên mạng xã hội còn ra sức phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, cho rằng Công đoàn Việt Nam không đấu tranh bảo vệ được quyền lợi của NLĐ và chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập với Công đoàn Việt Nam mới chăm lo tốt cho quyền lợi của NLĐ.

Ngày 17-2-2023, trên trang Facebook tb.d, trong video “Ai chịu trách nhiệm về quyền lợi của NLĐ” kèm dòng trạng thái xuyên tạc: “Đảng của “gia cấp Công nhân” đẩy 20 vạn công nhân ra đường”. Rồi đối tượng chống phá cách mạng này rêu rao giọng điệu: “NLĐ mất lương hưu, cuộc sống của họ và của gia đình họ bị đẩy vào cảnh khốn cùng trong tương lai, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về điều này, hay lại là không ai cả”.

Song song với việc phân tích trên, các đối tượng cơ hội chính trị không ngừng gieo rắc vào tư tưởng người nghe bằng những câu nói như: “người dân mất niềm tin”, cho rằng “Việt Nam bận đấu đá chính trị trong nội bộ nên không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, và có biện pháp nào để người dân gây áp lực với chính quyền không?”.

Đáng báo động hơn, các đối tượng chống phá cách mạng không ngừng kích động NLĐ. Trong video nêu trên của trang Facebook cá nhân S.LTV-TNTD, blogger Đ.C. cho biết thông tin mù mờ nhưng nguy hiểm rằng: “người dân “đấu” rất gay gắt, tìm cách liên minh với nhau. Trước đây nạn nhân ở tỉnh nào biểu tình ở tỉnh đó, nhưng bây giờ họ tìm cách liên minh với nhau… đặc biệt các nhóm nạn nhân họ liên kết với nhau và biểu tình…”. Còn nhân vật dẫn chương trình thì kết thúc clip bằng cách kêu gọi biểu tình trắng trợn, cực kỳ kích động như: “Khi người dân hành động một mình thì sự đàn áp rất quyết liệt, rất dễ xảy ra, nhưng khi người dân liên kết với nhau từ Bắc vào Nam… để xuống đường biểu tình thì gây nên một sức mạnh rất lớn và không có một quyền lực nào có thể khống chế được sức mạnh này. Người dân phải có một hành động cụ thể, đó là xuống đường để gây áp lực cho guồng máy chính quyền này”.

Quả thực, nắm bắt được tâm lý của số đông NLĐ là “muốn giải quyết ngay lợi ích trước mắt mà chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân, bản chất của vụ việc” nên mỗi khi có một sự kiện mang tính chính trị hay tranh chấp lao động tại một doanh nghiệp nào đó, trong khi các tổ chức Công đoàn, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương dốc sức thương lượng, làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ thì các thế lực thù địch lại tìm mọi cách bới móc, kích động tâm lý công nhân tạo nên “hiệu ứng đám đông”, dẫn đến đình công và thiệt hại cuối cùng lại thuộc về chính NLĐ.

Vụ việc xảy ra cách đây tròn 10 năm vẫn là bài học nóng hổi khi hàng chục ngàn công nhân tại nhiều khu công nghiệp phía Nam xuống đường biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nhiều kẻ kích động đã lợi dụng, xúi giục công nhân đốt nhà xưởng, phá hoại tài sản, hành hung bảo vệ và chuyên gia của nhiều doanh nghiệp… không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, “sức khỏe” nền kinh tế mà đời sống NLĐ cũng lao đao khi doanh nghiệp đóng cửa, mất việc làm…

Công thức chung của các thế lực chống phá

Tận dụng lợi thế của internet và đặc biệt là mạng xã hội, các đối tượng thù địch đã không ngừng sản xuất, đăng tải những video, hình ảnh, nội dung trên các kênh, trang cá nhân mà chúng lập nên. Tuy cách thức thể hiện, dẫn dắt, đặt vấn đề rất đa dạng nhưng có thể thấy, nội dung thông tin này đều có công thức chung là lợi dụng các vụ việc, sự kiện “nóng” để xuyên tạc thành thông tin sai sự thật; một số thông tin còn tranh cãi, vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý… để từ đó gây sự chú ý trên không gian mạng, thu hút tương tác.

Lúc này, giọng điệu, chiêu thức của các đối tượng chống phá cách mạng rất tinh ranh, khi thì đứng về phía NLĐ để nỉ non chia sẻ, giả vờ xúc động kể lể đời sống khốn khổ hiện nay và tương lai của NLĐ để tìm kiếm “đồng minh”; khi thì đóng vai kẻ giàu sang, “tầng lớp tư bản phát triển” để ra sức dè bỉu, khinh khi, chê bai cuộc sống nghèo đói mà chúng dựng lên…

Tiếp đó, chúng phủ nhận thành quả, nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trên các phương diện, nhất là các chính sách chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động trên cả nước trong suốt thời gian qua. Các thế lực chống phá cách mạng cho rằng, nguyên nhân của sự thất bại mà chúng bịa đặt là do chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, rồi ra sức quy chụp chế độ đã “bỏ mặc công nhân”…

L.V - T.N

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Bài 2: Sự thật khách quan về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam

Tin xem nhiều