Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh khóa X sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-7 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh.
Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh khóa X sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-7 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng chia sẻ với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc trong chuyến khảo sát thực tế nhằm xem xét ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ với lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Nhân |
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho biết, tất cả các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình ra kỳ họp đều đảm bảo thẩm quyền của HĐND tỉnh và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Sẽ thông qua 21 nghị quyết
* Thưa Phó chủ tịch HĐND tỉnh, nội dung, chương trình trọng tâm của kỳ họp lần này gồm những gì?
- Là một trong 2 kỳ họp quan trọng nhất trong năm, Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh khóa X sẽ xem xét kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm; đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của HĐND, UBND, TAND, Viện KSND và Cục THADS tỉnh. Đồng thời, thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết thường kỳ và chuyên đề làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành nhà nước tại địa phương.
Ở ngày làm việc thứ nhất, sau khi thực hiện nghi thức khai mạc, HĐND tỉnh sẽ nghe Thường trực HĐND tỉnh báo cáo 6 nội dung, UBND tỉnh báo cáo 18 nội dung; các ban HĐND tỉnh thông qua báo cáo thẩm tra và nghe thông báo kết luận thảo luận tổ.
Tiếp tục đổi mới trong hoạt động kỳ họp Ngoài một số đổi mới ở các khâu thẩm tra, chuẩn bị nội dung chất vấn, tất cả các tài liệu liên quan đến kỳ họp, Văn phòng HĐND tỉnh đều gửi trước cho đại biểu HĐND tỉnh để nghiên cứu trước, chuẩn bị đóng góp ý kiến. Trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu thảo luận trước tại 4 cụm tổ để tổng hợp các ý kiến báo cáo tại kỳ họp nhằm rút ngắn thời gian. Bên cạnh đó, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ theo nhóm vấn đề nhằm tạo ra quyền tranh luận cho đại biểu, làm rõ những nội dung mà cử tri quan tâm liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. |
Trong ngày làm việc thứ 2, HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo giải trình những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Dự kiến kỳ họp này sẽ xem xét thông qua 21 nghị quyết: về chế độ hỗ trợ đối với viên chức tại trung tâm công tác xã hội; về chủ trương di dời, xây dựng mới khu trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai; về mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất; về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
* Trong số các nghị quyết sẽ được xem xét thông qua, có nghị quyết nào mang tính đặc thù, riêng của Đồng Nai mà Trung ương không có, thưa đồng chí?
- Ngoài việc cụ thể hóa chính sách trung ương, bám sát thực tiễn địa phương, HĐND tỉnh luôn quan tâm xây dựng những chính sách đặc thù, riêng của tỉnh để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Điển hình tại kỳ họp này là chính sách hỗ trợ cho đội ngũ viên chức tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai. Để xây dựng được chính sách này, HĐND tỉnh đã nghiên cứu sâu và đi khảo sát thực tế rất kỹ.
Qua thực tiễn khảo sát cho thấy công việc của đội ngũ viên chức tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh rất vất vả. Trung tâm đang chăm sóc cho nhiều đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và người bệnh tâm thần. Trong đó có một số đối tượng khuyết tật nặng (bại não, bại liệt, úng thủy...) phải có người chăm sóc thường xuyên, một số đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm cao, nhiều đối tượng bị tâm thần thường xuyên lên cơn kích động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của viên chức trong quá trình tiếp xúc chăm sóc. Dù vậy, thu nhập của viên chức tại trung tâm còn rất thấp.
Thực tế này dẫn đến công tác tuyển dụng tại đây gặp nhiều khó khăn. Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ thì trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục không tuyển dụng được viên chức. Tình trạng viên chức nghỉ việc, xin chuyển công tác hoặc không có động lực làm việc ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của trung tâm nói riêng và công tác chăm sóc các đối tượng xã hội của tỉnh nói chung.
Vì vậy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với viên chức tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai là rất cần thiết.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
* Để đảm bảo nghị quyết ban hành được chặt chẽ, khả thi, đúng với quy định của pháp luật, HĐND tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
- Để đảm bảo các nghị quyết của HĐND được ban hành đi vào thực tiễn, các nội dung dự kiến trình tại kỳ họp đã được HĐND tỉnh họp thống nhất rất sớm. Ngay sau đó, HĐND tỉnh căn cứ nội dung UBND tỉnh trình để phân công thẩm tra cho các ban HĐND tỉnh phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban. Đồng thời, chỉ đạo ngay từ khi UBND tỉnh bắt đầu lên ý tưởng để xây dựng nghị quyết, các ban phải chủ động tham gia ngay từ đầu để tiếp cận, nắm bắt trước thông tin.
Các ban HĐND tỉnh đều tuân thủ trình tự, nội dung, các bước thẩm tra theo quy định. Trong quá trình thẩm tra, các ban đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan được UBND tỉnh giao chủ trì soạn thảo tờ trình dự thảo nghị quyết. Tổ chức đi khảo sát, giám sát thực tế để nắm sâu thông tin từ thực tiễn.
Khi đến bước thẩm tra, các ban đều tổ chức cho các thành viên trong ban mình ở các lĩnh vực khác nhau cùng thảo luận, trao đổi nhằm có những ý kiến ở góc nhìn đa chiều về dự thảo nghị quyết. Mặt khác, trong quá trình thẩm tra, giữa các ban luôn có trao đổi, chia sẻ thông tin để đảm bảo có thêm cái nhìn chung tổng thể, toàn diện trên mọi lĩnh vực về dự thảo nghị quyết…
* Chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung luôn được đại biểu, cử tri rất quan tâm. Những nội dung nào sẽ được chất vấn tại kỳ họp và làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động này tại kỳ họp, thưa bà?
- Tại Kỳ họp thứ 12 này, dự kiến có 6 vấn đề “nóng” được chất vấn trực tiếp tại hội trường; 4 vấn đề khác được trả lời chất vấn bằng văn bản. Trong đó, 6 vấn đề trả lời chất vấn tại hội trường gồm: việc thực hiện nguồn thu từ khai thác đấu giá đất trên địa bàn tỉnh; thực trạng và những giải pháp để tăng cường công tác quản lý, phát hiện, kiểm soát tình trạng sử dụng trái phép chất kích thích, chất gây nghiện; hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản; việc giải quyết nhu cầu đào tạo nghề của người dân, nhu cầu nguồn lực phục vụ sân bay Long Thành; về bồi thường, hỗ trợ dự án Khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 và về việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Nội dung chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh đều là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và được nhiều cử tri quan tâm. Những nội dung này liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, trước khi kỳ họp diễn ra, Thường trực HĐND tỉnh đã làm văn bản gửi tới các đại biểu để đề xuất nội dung chất vấn. Từ đó, đại biểu trong quá trình tiếp xúc cử tri, giám sát theo từng lĩnh vực thấy nội dung nào “nóng” cần chất vấn, đại biểu sẽ ghi rõ câu hỏi và người được chất vấn, gửi về cho HĐND tỉnh.
Dựa trên mối quan tâm của cử tri, độ “nóng” của các vấn đề, các nội dung này được Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh xem xét và chọn lọc theo nhóm vấn đề để các ngành liên quan trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Những nội dung còn lại được trả lời bằng văn bản.
* Xin cảm ơn bà!
Hồ Thảo (thực hiện)