Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp lại một chiến sĩ đặc công tham gia đánh cầu hóa an năm xưa

08:04, 25/04/2006

Căn nhà của ông Ba Cục nằm khiêm nhường trong một hẻm cụt của đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ông vui mừng cho biết: "Cứ mỗi lần đến dịp 30-4 là tôi lại nhớ về đồng đội đã hy sinh trong những năm đánh Mỹ. Tôi được may mắn hơn nhiều anh em khác, bị thương đến 4 lần mà vẫn còn sống đến ngày nay".

Căn nhà của ông Ba Cục nằm khiêm nhường trong một hẻm cụt của đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ông vui mừng cho biết: "Cứ mỗi lần đến dịp 30-4 là tôi lại nhớ về đồng đội đã hy sinh trong những năm đánh Mỹ. Tôi được may mắn hơn nhiều anh em khác, bị thương đến 4 lần mà vẫn còn sống đến ngày nay".

ADVERTISEMENT

Tên thật là Võ Hồng Tân, quê ở xã Tân Định (huyện Vĩnh Cửu) nhưng do người thấp bé, nhẹ cân nên dân làng thường gọi là ông Ba Cục. Ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, lúc đầu làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Văn Tỏ, một cán bộ cách mạng. Sau này ông là chiến sĩ đại đội 270, Huyện đội huyện Vĩnh Cửu . Ông được kết nạp Đảng tháng 12-1961. Lần bị thương đầu tiên của ông là lần gác cho đoàn cán bộ đi công tác qua, phát hiện địch phục kích, ông nổ súng báo động. Địch bắn trả, một viên đạn trúng chân, may mà trời tối ông kịp bò trốn vào trong đám ruộng, chúng không dám đuổi theo. Tháng 6 - 1962, ông được cử làm đội trưởng đội bảo vệ Huyện đội, năm 1965 thì được tổ chức phân công đội trưởng đội bảo vệ Tỉnh đội Biên Hòa. Trong một lần bắn tỉa, tổ 3 người của ông trúng mìn, hy sinh mất hai, chỉ còn ông thoát chết với những mảnh mìn ghim vào 2 cánh tay. Cuối năm 1967, địch "đánh hơi" được căn cứ của Tỉnh đội ở Vĩnh Cửu, bèn pháo kích và cho máy bay ném bom vào khu vực chúng nghi ngờ, sau đó chúng còn tung thám báo Mỹ vào tìm diệt căn cứ của ta. Ông Ba Cục bố trí 10 tay súng phục sẵn. Hai tên thám báo Mỹ vừa tới cửa rừng đã bị bắn chết, bọn còn lại hoảng hốt bỏ chạy. Trận đó ta thu được 2 khẩu súng tiểu liên, 1 đại liên và 40 ba-lô của lính Mỹ.

Cuối năm 1967, Ba Cục cùng 30 anh em nữa được giao vận chuyển 15 tấn hàng từ Bắc sông Đồng Nai vào trong căn cứ Tỉnh đội phục vụ cho tổng tiến công. Trong những ngày Tết Mậu Thân 1968, ông được phụ trách một mũi đánh dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa. Nhưng kế hoạch không thành vì địch dùng xe tăng khống chế đường lộ, buộc anh em phải rút vào xóm, tham gia cùng các chiến sĩ tiểu đoàn 3 chống lại địch. Bị địch đánh rát quá, lực lượng ta phải rút về căn cứ. Trên đường về gặp địch phục kích, chúng đánh mìn clây- mo, đồng chí trạm phó Tám Bé bị bắt, ông bị trúng hai mảnh vào hai chân, nhưng một lần nữa nhờ dáng người nhỏ bé, lanh lẹ mà ông thoát khỏi tay địch. Trong trận ngày 13-9-1969 chống càn địch đánh vào căn cứ suối Lá Lốt, chính trị viên phó Ba Cục cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, cản chân không cho địch tiến vào căn cứ của ta. Địch dùng máy bay quần đảo bắn hỏa tiễn, một quả đạn nổ ngay sát ông. Đồng chí chính trị viên trưởng hy sinh, còn ông bị một mảnh lớn găm vào ngực phải, và rất nhiều mảnh găm trên đầu, nhưng thật kỳ lạ, ông vẫn thoát khỏi tay tử thần.

ADVERTISEMENT

Trận đánh mà ông nhớ nhất là trận đánh cầu Hóa An vào khoảng tháng 8-1972. Lúc ấy ông làm tổ trưởng thông tin kỹ thuật tại Trung đoàn 113 trực thuộc sư 2 đặc công. Ông được giao nhiệm vụ đi trinh sát cầu Hóa An để đặc công thủy của trung đoàn vào đánh. Cầu Hóa An lúc đó là một trong những huyết mạch nối sân bay Biên Hòa với Sài Gòn, nên bọn địch bảo vệ rất nghiêm ngặt, người dân chỉ được đi ban ngày, ban đêm chúng không cho ai qua cầu. Thông qua các đồng chí Ba Chùa, Bảy Chặng, ông móc nối  được với ông Ngô Văn Sắc, một gia đình đang sống trong vùng địch, để tìm cách tiếp cận quan sát cầu. Nhà ông Sắc có hai cô con gái, cô đầu là Ngô Thanh Hương học lớp 12, cô thứ hai là Ngô Thanh Hiền học lớp 11. Cả hai cô tích cực giúp ông quan sát vẽ sơ đồ bố trí lực lượng của địch ở cầu. Nhưng để chắc chắn, ông đã nhờ cô em đèo bằng xe honda đi trinh sát. Hôm đó, vào buổi trưa, ông mặc quần áo học sinh ngồi phía sau Ngô Thanh Hiền đi qua cầu, bọn lính địch lơ láo trên cầu, nhưng không để ý đôi học sinh đi học về. Sau khi đã nắm chắc sơ đồ cầu Hóa An, ông về báo cáo lãnh đạo trung đoàn. Nhiệm vụ đánh cầu Hóa An được giao cho 3 chiến sĩ đặc công thủy. Hai chiến sĩ ôm mìn hẹn giờ lặn bơi dọc sông Đồng Nai, đồng chí tổ trưởng cầm dây điều khiển. Khi các chiến sĩ đặc công thủy đến gần cầu, họ nhao lên để gắn mìn hẹn giờ. Lần đầu tiên họ tới được mố cầu, nhưng nước sông chảy xiết quá, không thể bám vào mố cầu được, đành quay về. Lần thứ hai, hai đồng chí vừa nhao lên định bám vào mố cầu thì địch phát hiện, chúng bắn như mưa xuống sông. Hai đồng chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, rút nụ xòe làm nổ tung khối thuốc nổ đánh sập nhịp giữa cầu Hóa An. Cả hai đồng chí đều anh dũng hy sinh.

Ông Võ Hồng Tân 4 lần bị thương, hiện nay trên người ông vẫn còn rất nhiều mảnh đạn: tay trái một mảnh, chân trái 3 mảnh, tay phải 2 mảnh, phổi một mảnh, trên đầu còn một mảnh lớn và nhiều mảnh nhỏ. Ông không còn nhớ tên những đồng chí đã hy sinh. Nhưng trong lòng ông còn ghi sâu mãi hình ảnh những người đồng đội đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã tìm lại gia đình cơ sở giúp ông trinh sát cầu Hóa An và chứng nhận  với địa phương về công lao đóng góp của họ. Sau này, hai chị em Hương và Hiền cùng vào công tác trong ngành công an.

Đoàn Hoài Trung

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT