
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên xuất hiện một binh chủng hiện đại của quân đội ta. Đó là lực lượng pháo cao xạ phòng không. Đội quân hiện đại bất ngờ này đã lập công xuất sắc ngay trong lần ra quân: bắn rớt 62 máy bay các loại của giặc Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Trong chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" này có sự góp phần của Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên xuất hiện một binh chủng hiện đại của quân đội ta. Đó là lực lượng pháo cao xạ phòng không. Đội quân hiện đại bất ngờ này đã lập công xuất sắc ngay trong lần ra quân: bắn rớt 62 máy bay các loại của giặc Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Trong chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" này có sự góp phần của Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367.
Đầu tháng 3-1954, Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367 được cấp trên quyết định đưa đi trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện lệnh hành quân lên Tây Bắc, sau bao ngày vất vả, gian khổ, Trung đoàn 367 đã kịp thời chuẩn bị xong trận địa pháo để đúng ngày 13-3-1954, mở màn chiến dịch. Liên tiếp những trận đánh diễn ra. Quân Pháp không ngờ là Việt Minh lại có pháo cao xạ phòng không và càng không ngờ là mới lần đầu tham gia chiến trường, các đơn vị pháo phòng không của Việt Minh lại vững vàng làm chủ kỹ thuật, phát huy mạnh mẽ hỏa lực xung quanh trận địa chiếm đồ tiếp tế của địch từ trên không thả dù xuống. Đồ tiếp tế không rơi trúng mục tiêu và đã bị bộ đội ta tịch thu rất nhiều, càng đẩy quân địch vào tình thế hoang mang dao động, khốn cùng và tuyệt vọng.
Theo một tư liệu lịch sử của tác giả Lưu Văn Phúc công bố trên tạp san Khoa học phổ thông số 719, ra vào tháng 5-2004 thì trong Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367 - một đơn vị đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng - có một chiến sĩ pháo binh người Biên Hòa là Nguyễn Bảo Khánh.
Theo đó, Nguyễn Bảo Khánh, tự Bảo Vân, sinh năm 1931 tại làng Bình Trước, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là TP. Biên Hòa). Bảo Khánh chính là con trai của ông kinh lý Tàng (Nguyễn Văn Tàng). Trong "Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai" có ghi: Để chuẩn bị giành chính quyền, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa đã vận động ông kinh lý Tàng "làm việc" trước với Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Quý - Tỉnh trưởng Biên Hòa (ông Quý là cháu kêu ông Tàng bằng chú) để việc bàn giao chính quyền được êm thấm, tránh đổ máu. Ông Nguyễn Văn Tàng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng như kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa. Cách mạng tháng Tám ở Biên Hòa thành công. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đầu tiên được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tàng được mời làm thư ký ủy ban và được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến hành kiểm kê tài sản quốc gia của tỉnh Biên Hòa.
Sau khi ông Hoàng Minh Châu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I và đi dự họp ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tàng được cử làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh Biên Hòa. Lúc Pháp quay lại tái chiếm, nhân dân Biên Hòa bước vào cuộc kháng chiến, ông kinh lý Nguyễn Văn Tàng được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh rồi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính kéo dài từ năm 1947 đến 1950.
Khi Cách mạng tháng Tám ở Biên Hòa thành công thì con trai ông Tàng là Nguyễn Bảo Khánh mới 14 tuổi, được ông gởi vào Trường thiếu sinh quân Biên Hòa do Chi đội 10 quản lý để học văn hóa và rèn luyện quân sự. Nhờ thành tích học tập, công tác xuất sắc, ngay trong năm 1949 Nguyễn Bảo Khánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950, vừa ra trường, Bảo Khánh được phân công đi bảo vệ đoàn cán bộ Nam bộ do Trung tướng Nguyễn Bình làm trưởng đoàn ra trung ương công tác. Trên đường đi, Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh, đoàn cán bộ Nam bộ nhận được lệnh của Trung ương Đảng và Chính phủ là tiếp tục hành quân ra Việt Bắc.
Thấy Nguyễn Bảo Khánh thông minh, giỏi toán, lại có năng khiếu về khoa học kỹ thuật nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đoàn, tổ chức đã quyết định đưa Nguyễn Bảo Khanh đi học kỹ thuật pháo binh. Hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Bảo Khánh được bổ sung về một đơn vị pháo cao xạ phòng không trực thuộc Trung đoàn 367 ở miền Bắc. Nhờ thế, chàng trai Biên Hòa Nguyễn Bảo Khánh có được vinh dự là một trong bốn anh bộ đội cụ Hồ ở Nam bộ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 52 năm.
Bùi Thuận