Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thương binh không chịu đầu hàng số phận

09:07, 27/07/2006

28 năm qua, trên vùng đất ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, có một người thương binh nặng 1/4 rất giàu nghị lực, xứng đáng là một tấm gương sáng về bản chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ ....

Anh Nguyễn Văn Đức bên đôi bò cưng của mình.

28 năm qua, trên vùng đất ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, có một người thương binh nặng 1/4 rất giàu nghị lực, xứng đáng là một tấm gương sáng về bản chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ ....

ADVERTISEMENT

 

* Tiếng nổ trong thời bình

ADVERTISEMENT

 

Chuyện bắt đầu từ năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, Nguyễn Văn Đức, người con của ấp Bàu Bông, xã Phước An được các cô, các chú lãnh đạo địa phương động viên tham gia lực lượng dân quân xã để bảo vệ an ninh trật tự địa phương, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Sau một khóa huấn luyện  quân sự, Đức được bổ sung vào đội quân rà phá bom mìn, giải phóng  đất đai để cho dân có đất sản xuất. Mặc dù phải đối diện với bao mối nguy hiểm hằng ngày, nhưng Đức không hề nao núng. Anh vẫn cùng với đồng đội miệt mài, tỉ mỉ tháo gỡ hàng trăm quả bom mìn mà thời  chiến tranh giặc Mỹ đã trút như rải  trấu xuống quê hương anh. Lòng nhiệt tình và sự tận tụy của Đức và các chiến sĩ  trong đội quân rà phá bom mìn đã góp phần giải phóng hàng ngàn hecta đất canh tác ở vùng Phước An, Nhơn Trạch, phục vụ đắc lực cho nhân dân sản xuất, tự túc lương thực. Thế nhưng cũng thật oái oăm, trong khi thực hiện nhiệm vụ thì một tai họa bất ngờ lại đến với Đức và những người đồng đội. Vào một ngày giữa tháng 4-1978, tổ rà phá bom mìn của Đức được cấp trên phân công đi làm nhiệm vụ ở miệt Hiệp Phước, Long Thọ. Cả buổi sáng trong ngày hôm đó, đơn vị của Đức đã tháo gỡ được mấy chục quả bom mìn các loại. Đến trưa, khi các anh tổ chức thu gom số bom mìn đã rà được để hủy thì bất ngờ một quả đạn phát nổ. Anh Nguyễn Văn Chánh, người đồng đội của Đức hy sinh tại chỗ. Còn Đức thì bị hất tung ra xa, ngất lịm. Đến khi được cấp cứu tỉnh dậy thì  Đức không  còn nhìn thấy gì nữa. Đôi mắt của anh đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng và đôi tai cũng bị giảm thính lực xuống gần bằng không.

ADVERTISEMENT

 

* Không đầu hàng số phận

 

Trở lại cuộc sống đời thường với thương tật ¼, thời gian đầu, anh Nguyễn Văn Đức hết sức bi quan. Vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, nhà không có vốn liếng, của cải, cảnh nhà thường xuyên thiếu đói, đứt bữa. Nhiều lần Đức toan tìm đến cái chết để giải thoát gánh nặng cho vợ con. Nhưng rồi với nghị lực của người lính đã  không cho phép anh làm cái chuyện gàn dở ấy.

Thế rồi theo thời gian, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, của người thân, bà con hàng xóm, vợ chồng anh Đức đã dìu nhau từng bước vượt qua khó khăn ban đầu. Có được 1/2 hecta ruộng do mẹ vợ cho, vợ chồng anh Đức quyết tâm bám ruộng để sống. Hàng ngày gởi mấy đứa con cho  hàng xóm trông coi, anh Đức theo vợ ra ruộng để lao động. Tuy không nhìn   thấy gì nhưng nhờ có tích lũy chút ít  kinh nghiệm làm lúa trước lúc bị thương nên Đức hướng dẫn cho vợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa cho  đạt hiệu quả. Gặp lúc vợ bận, anh tự mày mò ra ruộng để lấy nước, thăm đồng rồi về nhắc nhở vợ con bón phân, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh, dần dà bước chân của Đức đã quen với mảnh ruộng mà mình gắn bó. Khi đã tích lũy được một ít vốn từ sản xuất cây lúa, kết hợp với đồng vốn vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo, vợ chồng anh đầu tư thêm vào chăn nuôi heo. Từ nuôi heo, làm lúa, Đức tiếp tục có thêm vốn để sắm đôi bò cày đỡ đần cho anh trong khâu làm đất. Được cái là từ khi sắm được đôi bò cày - chị Trương Thị Anh kể - đôi bò hình như cũng hiểu được thân phận của chủ, mỗi lần thấy anh Đức vác cày lên vai là chúng ngoan ngoãn  theo anh ra ruộng, bò dẫn đường cho người. Khi băng qua đường lớn, bò cũng dừng lại để nương cho chủ đi qua. Hoặc khi đã xuống ruộng cày, bò cần mẫn kéo vỡ từng vạt đất. Hễ khi nào chúng dừng lại là công việc đã xong. Nhờ vậy mà anh Đức cũng đỡ bớt nỗi nhọc nhằn khi lao động. Cũng theo chị Trương Thị Anh, nghị lực  không chịu đầu hàng số phận của anh Đức là chỗ dựa tinh thần  vững chắc cho chị và những đứa con. Hiện nay với ½ hecta ruộng lúa canh tác 3 vụ/năm, mỗi năm vợ chồng anh Đức thu về 18-20 tấn lúa. Kết hợp với thu nhập từ mấy sào điều trong vườn nhà, gia đình cũng thu về vài chục triệu đồng để nuôi các con ăn học đàng hoàng. 3 đứa con của anh chị ngoan ngoãn, chịu thương, chịu khó giúp đỡ cha mẹ. Cháu lớn là Nguyễn Hồng Diễm đang học đại học TDTT; cháu Nguyễn Hồng Phúc đang học lớp 12 và cháu út là Nguyễn Hồng Trang đang học lớp 9.

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình anh Đức, vợ chồng anh cũng  vừa mới xây xong căn nhà trị giá 165 triệu đồng, thay thế cho túp lều tranh trống  trước, trống sau mà vợ chồng anh đã ở mấy chục năm qua. Nhìn cảnh hạnh phúc, đầm ấm của gia đình anh Đức, chính quyền và bà con ai cũng mừng và thầm cảm phục ý chí  và nghị lực của một người thương binh.

 Đức Việt

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT