Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học chiến lược không để Tổ quốc bị bất ngờ trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

09:12, 25/12/2012

40 năm đã trôi qua, cuối tháng 12-1972, trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với không quân chiến lược Mỹ. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân dân ta cùng lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và các địa phương đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Thắng lợi vẻ vang đó như một mốc son chói lọi làm rạng rỡ trang sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam anh hùng.

40 năm đã trôi qua, cuối tháng 12-1972, trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với không quân chiến lược Mỹ. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân dân ta cùng lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và các địa phương đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Thắng lợi vẻ vang đó như một mốc son chói lọi làm rạng rỡ trang sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trước nguy cơ chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" sắp hoàn toàn thất bại, đế quốc Mỹ "dốc túi" vào "canh bạc" cuối cùng, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích đường không (TKĐK) chiến lược mang tên Lai-nơ-bếch-cơ II, chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá dã man Hà Nội, Hải Phòng từ 18 đến 30 tháng 12-1972. Để chuẩn bị cho cuộc TKĐK chiến lược này, ngay từ đầu Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) đã nhận định, muốn xâm nhập và vượt qua hệ thống PK-KQ của Bắc Việt Nam phải sử dụng một loạt các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhất. Ngoài việc đ­ưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí chống bức xạ điện từ như tên lửa sơ-rai, bom điều khiển bằng tia la-de, bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình... giới khoa học quân sự Mỹ còn nghiên cứu cải tiến và đưa vào sử dụng các thiết bị gây nhiễu mới nhất có công suất lớn, dải tần rộng lắp trên các máy bay B-52 và các loại máy bay cường kích chiến thuật, tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử (CTĐT) rộng khắp. CTĐT được coi là "lá bùa hộ mệnh" phục vụ cho không quân chiến lược B-52 vào đánh phá. Với cả guồng máy đồng bộ và tính năng vũ khí như thế, Tổng thống Mỹ Ních-xơn cho rằng, B-52 bay vào Hà Nội sẽ như một cuộc dạo chơi.

Khẩu đội súng máy dân quân tự vệ bắn máy bay chiến thuật của Mỹ trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.
Khẩu đội súng máy dân quân tự vệ bắn máy bay chiến thuật của Mỹ trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Chiến thắng lịch sử của trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 vẫn còn vang vọng mãi. Hàng trăm cuốn sách, hàng ngàn bài viết, nhiều hội nghị nghiên cứu, nhiều công trình khoa học-nghệ thuật quân sự ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới, bên cạnh việc ca ngợi, phân tích lý giải về bài học lịch sử, ý nghĩa chiến thắng, đã dành nhiều công sức bàn luận về nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà quân và dân Việt Nam đã đập tan cuộc TKĐK chiến lược bằng máy bay B-52 của không lực Hoa Kỳ? Nhân tố thắng lợi có tính tổng hợp cao, trong đó phải kể đến những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén của Đảng và tài thao lược của Bộ Thống soái chỉ huy chiến lược, chiến dịch; trí thông minh, sáng tạo trong vận dụng kỹ, chiến thuật và nghệ thuật tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt… tạo thành sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân để giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Có được thắng lợi này, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học chiến lược bắt nguồn từ những dự báo sớm, sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc giành thế chủ động để đánh bại cuộc TKĐK chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Để đi đến chiến thắng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quá trình phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chiến trường miền Nam cũng như đã đánh giá đúng tình hình, quyết định và chỉ đạo chiến lược cho Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh ở miền Bắc cùng lực lượng phòng không ba thứ quân chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, huy động được sức mạnh to lớn của cả nước cho cuộc đụng đầu lịch sử.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 là một mốc son lịch sử, đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó, càng thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người có những dự đoán thiên tài về chiến lược. Sinh thời, Người khẳng định: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”[1].

Ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài, Bác đã hỏi: “Các chú đã biết gì về B-52 chưa?". Sau đó Bác nói: Nếu chú có biết, bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh. Bác căn dặn: … ngay từ nay là Tư lệnh bộ đội PK-KQ, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52. Nhớ lời dạy của Bác, lãnh đạo và chỉ huy Bộ t­ư lệnh PK-KQ đã chuẩn bị kế hoạch, đầu tư nghiên cứu về B-52. Những ngày mới thành lập, bộ đội PK-KQ phải tập trung vào nhiệm vụ xây dựng phát triển lực lượng, bố trí thế trận bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, do vậy việc nghiên cứu B-52 mới chỉ là bước khởi đầu.

Năm 1964, Mỹ lấy cớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đã liều lĩnh cho không quân và hải quân leo thang ra đánh phá một số mục tiêu ven biển của ta từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Quân và dân miền Bắc đã đánh trận phủ đầu giành thắng lợi lớn. Sau khi tuyên dương công trạng đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964, Bác lại hỏi: “Các chú đã chuẩn bị đánh B-52 như thế nào rồi?". Tuy Bác nhắc nhở, nhưng lúc này B-52 chưa xuất hiện trên chiến trường, mặt khác chúng ta chưa có tư liệu về B-52 nên chưa thể chuẩn bị gì cho việc đánh B-52.

Việc nghiên cứu để đánh B-52 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đặt ra cho Quân chủng PK-KQ ngay từ khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường. Lần đầu tiên ở Việt Nam (cũng là lần đầu tiên trên thế giới) Mỹ cho máy bay B-52 từ đảo Gu-am vào ném bom rải thảm khu vực Bến Cát-Tây Bắc Sài Gòn.

Ngày 19-7-1965 đến thăm Bộ đội phòng không Hà Nội tr­ước giờ tên lửa ra quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm sắt đá của quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, Bác căn dặn: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng!"[2]. Lời Bác đã truyền thêm sức mạnh cho bộ đội tên lửa phòng không. Ngày 12-4-1966, Mỹ đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình rồi đánh phá Vĩnh Linh. Lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng PK-KQ đã nung nấu việc đưa tên lửa vào chiến trường Quân khu 4 để tìm cách đánh B-52. Một buổi, Bác gọi Tư lệnh Bộ đội PK-KQ lên báo cáo với Bác về việc đánh B-52. Sau khi giao nhiệm vụ xong Bác căn dặn: "… muốn bắt cọp thì phải vào tận hang. Chú về suy nghĩ thêm đi và tranh thủ trao đổi với các đồng chí xung quanh". Vâng lời Bác, Th­ường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã thống nhất kế hoạch đưa Trung đoàn tên lửa H38 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để đón đánh B-52, và được Bộ Tổng tham mưu phê chuẩn.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định cho B-52 leo thang ra đánh phá hành lang cửa khẩu Quảng Bình, Vĩnh Linh cuối năm 1967, trong một lần làm việc với Tư lệnh và Chính ủy bộ đội PK-KQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị"[3]. Theo lời dạy của Bác và Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã vạch ra kế hoạch chuẩn bị đánh B-52, đẩy mạnh công cuộc xây dựng lực lượng PK-KQ, đồng thời đưa lực lượng PK-KQ vào chiến trường phía Nam để nghiên cứu phát hiện B-52 và thực tập đánh B-52. Do hiểu biết sâu sắc quy luật chiến tranh xâm lược của Mỹ, nên Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quân và dân các địa phương, trong đó đặc biệt là bộ đội PK-KQ chuẩn bị tốt mọi mặt sẵn sàng đánh bại nỗ lực cao nhất của địch.

Để đập tan cuộc TKĐK chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, ta đã có sự chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng, điều động, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PK-KQ hợp lý, tạo thành thế trận PK-KQ: Liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc có chiều sâu, bảo đảm tập trung lực lượng đánh địch ở các độ cao, trên các hướng. Tạo ưu thế về lực lượng; giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động; bảo đảm đánh thắng địch trong suốt quá trình chiến dịch.

Ngày 25-11-1972, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu[5]. Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho lực lượng vũ trang, tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu, đồng thời nhận định có nhiều khả năng địch đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó: “Nhiệm vụ trung tâm đột xuất trước mắt của Quân chủng PK-KQ là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B-52 mà tiêu diệt”[6]. Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã phán đoán đúng thời cơ và địa điểm đón đánh địch chính xác, bởi vậy lực lượng phòng không ba thứ quân của ta, nòng cốt là bộ đội PK-KQ đã giành thế chủ động ngay từ ngày đầu, trận đầu. Trong chiến tranh, vấn đề dự báo chiến lược, đúng thời cơ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giữ được bí mật, bất ngờ luôn là những yếu tố quyết định thành bại của mỗi trận đánh. Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 đã thực hiện được những vấn đề cốt yếu ấy. Đó là bài học có ý nghĩa chiến lược quyết định đến thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Trong giai đoạn cách mạng mới, để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực rất lớn. Phải giữ vững ổn định về chính trị, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và đối ngoại, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân... Đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra là: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[7].

Nhận thức sâu sắc và đầy đủ những bài học về sự chuẩn bị, dự báo sớm, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt mang tầm chiến lược của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác chiến chiến dịch để có nhiều biện pháp tích cực, thiết thực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó nòng cốt là khối liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức. Điều đặc biệt chú ý củng cố và xây dựng "thế trận lòng dân", mà nội dung cơ bản là: Củng cố sự nhất trí về chính trị-tinh thần trong nhân dân, sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, giữa nhân dân với chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo. Phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, quán triệt và thực hiện tốt mọi chỉ thị, nghị quyết mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Thượng tướng Viện sĩ, TS KHQS NGUYỄN HUY HIỆU -

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

[1] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập2, Nxb Sự thật, Hà Nội 1980, tr.430.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 1989, tr. 467.

[3] Hồ Chí Minh, Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội 1990, tr. 203.

[5] Chỉ thị nêu rõ: sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu mới… Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, nơi đông dân cư; dùng hải quân tăng cường bắn phá bờ biển. Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh, sơ tán.

[6] Công điện số 420A ngày 24-12-1972 của Bộ Tổng tham mưu gửi Quân chủng PK-KQ.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tr.233.

 

 

Tin xem nhiều