Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất kịp thời đạn tên lửa phục vụ chiến dịch

04:12, 16/12/2012

“Qua hai trận chiến đấu chống máy bay B-52 vào đêm 18 và 19-12-1972, các đơn vị tên lửa bảo vệ Thủ đô Hà Nội gặp khó khăn là thiếu đạn tên lửa nghiêm trọng” - Cựu chiến binh Vương Toàn Tước, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật 80 (Trung đoàn 257, Sư đoàn phòng không 361) kể lại như vậy...

“Qua hai trận chiến đấu chống máy bay B-52 vào đêm 18 và 19-12-1972, các đơn vị tên lửa bảo vệ Thủ đô Hà Nội gặp khó khăn là thiếu đạn tên lửa nghiêm trọng” - Cựu chiến binh Vương Toàn Tước, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật 80 (Trung đoàn 257, Sư đoàn phòng không 361) kể lại như vậy tại buổi gặp mặt các nhân chứng cuốn sách “Đối mặt với B-52”, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".

Lắp ráp đạn tên lửa phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu.
Lắp ráp đạn tên lửa phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu.

Cựu chiến binh Vương Toàn Tước cho biết: Tiểu đoàn kỹ thuật 80 bước vào chiến dịch phòng không tháng 12-1972 ở cách xa Hà Nội và các trận địa tên lửa, nhằm chống sự oanh kích của máy bay địch. Trong 12 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn liên tục cơ động tại các địa bàn quanh Hà Nội như Văn Điển, Thường Tín, Thị xã Sơn Tây... Ngoài tiểu đoàn 80, Sư đoàn 361 còn có tiểu đoàn 95, song những ngày đầu sản xuất đạn vẫn không đủ cho các tiểu đoàn hỏa lực. Những hôm thấy xe TZM xếp hàng để chờ “ăn đạn”, chúng tôi lại động viên nhau phải nỗ lực, nâng cao năng suất lắp ráp, sản xuất đạn tên lửa cho đơn vị. Để khắc phục việc thiếu đạn, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân điều động lực lượng từ Xưởng A31, từ các kho và cán bộ kỹ thuật cơ quan sư đoàn, quân chủng về tăng cường. Từ đó, mỗi tiểu đoàn đều sản xuất 3 ca, làm việc liên tục ngày đêm, nên năng suất lắp ráp, kiểm tra đạn tên lửa mỗi ngày của tiểu đoàn lên 24 quả, thậm chí 36 quả, so với trước đó mỗi ngày chỉ lắp ráp, sản xuất được 8 đến 12 quả.

Theo ông Tước, trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, chúng ta thiếu đạn tên lửa cục bộ, là do lắp ráp, sản xuất không kịp, chứ không thiếu toàn diện. Ngày đó, chúng ta có kế hoạch chi viện tên lửa vào chiến trường miền Nam, nhưng sau đó trên đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị khác ở miền Bắc chi viện tên lửa cho Hà Nội. Có những hôm trời mưa rét, trận địa bị bom đạn Mỹ cày xới, một chiếc xe đẩy bình thường chỉ cần 7 người đẩy, nhưng khi đó đơn vị phải huy động hơn 10 người. Quả đạn tên lửa nặng gần một tấn, khi lắp ráp phải dùng hai cần cẩu phối hợp. Đầu đạn cũng nặng tới 100kg, phải có tời để kéo lên lắp ráp, rồi khoang thùng, cánh đạn... Mỗi quả tên lửa phải qua 43 khâu lắp ráp, nhưng cán bộ, chiến sĩ phối hợp hiệp đồng nhịp nhàng, nên tiểu đoàn lắp vượt công suất, kịp thời bảo đảm đạn cho các tiểu đoàn hỏa lực.

Việc đưa đạn về lắp ráp, sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn vị lấy đạn từ kho ở Lạng Sơn về lắp ráp hoặc tiếp nhận đạn vận chuyển từ Quân khu 4 ra. Đạn lấy từ Lạng Sơn về là đạn mới, còn trong hòm hộp, nên phải qua các công đoạn kiểm tra kỹ càng. Những đêm đầu, anh em phải thức trắng để lắp ráp, sản xuất đạn. Vị trí lắp ráp phải liên tục cơ động từ vị trí này đến vị trí khác, để bảo đảm bí mật, tránh máy bay chiến thuật của địch đánh phá. Ai cũng hốc hác, mắt trũng sâu do thức đêm và làm việc căng thẳng, nhưng quyết tâm đánh thắng Mỹ, bắn rơi máy bay B-52 khiến cán bộ, chiến sĩ không quản mệt nhọc, khó khăn, bảo đảm đạn kịp thời, chất lượng tốt, góp phần vào chiến thắng chung.

(Theo QĐND)

 

Tin xem nhiều