Công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm và xem công tác cán bộ là nhân tố quyết định, quan trọng...
Công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm và xem công tác cán bộ là nhân tố quyết định, quan trọng. Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước”, đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX vừa qua, đồng chí PHẠM VĂN RU, TUV, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trình bày tham luận với chủ đề: “Những nhiệm vụ và giải pháp đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015”.
* Tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh thời gian qua đã thu được những kết quả quan trọng. Số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức chính trị, lý luận, pháp luật, quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... ngày càng nhiều. Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, tỉnh đã đưa đi đào tạo 2.752 cán bộ (đào tạo trong nước 2.724 cán bộ, đào tạo ở nước ngoài 28 cán bộ), trong đó có 2.347 cán bộ được đào tạo bậc đại học và cao đẳng, 391 thạc sĩ và 14 tiến sĩ; có 2.550 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận chính trị, 985 đồng chí đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên và liên tục, đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 18.870 lượt cán bộ, công chức, trong đó bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cấp ủy (dân vận, kiểm tra, tổ chức, tuyên giáo, văn phòng) cho 4.848 lượt cán bộ. Hàng năm mở từ 6-8 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức kiểm tra, dân vận, tuyên giáo, kiến thức quản lý nhà nước... với số lượng học viên từ 700 - 1.000 học viên cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh. Một số ngành đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ theo hệ thống thuộc cấp mình, giúp cho đội ngũ cán bộ hoàn thiện kỹ năng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Tỉnh ủy luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, hệ thống trường lớp, các trung tâm đào tạo trong tỉnh; kiện toàn từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Gắn với công tác đào tạo, tỉnh đã ban hành và thực hiện chính sách đối với cán bộ đi học, như: hỗ trợ chính sách cho cán bộ, công chức sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II; trợ cấp thêm cho cán bộ, công chức được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng là nữ, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cán bộ dân tộc thiểu số...; chính sách trợ cấp thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn...; đồng thời trong bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm đã chú trọng đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản; cán bộ khoa học kỹ thuật... cũng đã tạo được động lực mới trong đội ngũ cán bộ vươn lên học tập, nghiên cứu và công tác. Đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao chất lượng, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Cán bộ phụ trách điểm cung cấp thông tin ở xã Long An (huyện Long Thành) giúp nông dân tìm thông tin phục vụ sản xuất. |
* Những giải pháp đột phá
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2010-2015, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất sáu giải pháp đột phá.
Một là, cần tăng cường việc quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng và lãnh đạo các cấp về xây dựng đội ngũ cán bộ. Chỉ có hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ, từ đó có dự báo đúng tình hình, đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ, bám sát yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt cho trước mắt và lâu dài. Thực tiễn cho thấy, địa phương, đơn vị nào nhận thức đúng và coi trọng công tác đào tạo cán bộ thì ở đó đội ngũ cán bộ có đủ chuẩn về trình độ, phát huy được năng lực, sở trường công tác, đóng góp có hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Hai là, cần tổng kết đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua và lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong thời gian tới chặt chẽ hơn. Tỉnh ủy cần ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng chỉ tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 và 2020 nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh còn rất lớn và cấp thiết, Tỉnh ủy đề xuất Trung ương phân bổ tăng thêm chỉ tiêu các lớp đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị tập trung và tại chức cho tỉnh (hàng năm phân bổ 1 lớp cao cấp tại chức tại tỉnh với khoảng 110 đồng chí; từ 35 - 45 chỉ tiêu học cao cấp chính trị tập trung). Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho cán bộ chưa đạt chuẩn, nhất là cán bộ cơ sở.
Ba là, quán triệt thực hiện nghiêm Quyết định số 586-QĐ/TU ngày 16-7-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về chế độ học tập bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên; có đánh giá cán bộ sau khi đã trải qua khóa đào tạo, bồi dưỡng. Không phải học xong, được cấp bằng, chứng chỉ là đương nhiên được cất nhắc, bố trí vào các vị trí lãnh đạo. Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ học tập, sau khi học tập kết quả đạt loại giỏi, xuất sắc thì cán bộ đó sẽ được xem xét bổ nhiệm sớm và nâng ngạch, xếp ngạch ngay. Nếu thực hiện việc này một cách thường xuyên, công khai, chặt chẽ sẽ tác động rất lớn đến cán bộ đi học. Từ đó, cán bộ sẽ dành thời gian, công sức để học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả hơn.
Bốn là, có chính sách khen thưởng động viên kịp thời đối với những cán bộ tích cực học tập đạt kết quả tốt; nghiêm khắc xử lý những cán bộ, công chức không chấp hành quyết định cử đi học, học tập kết quả kém làm lãng phí thời gian, kinh phí và công sức để tổ chức các khóa học, lớp học, làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng quy định công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ, công chức đã được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Những trường hợp đã bổ nhiệm rồi, nhưng khi hết thời gian bổ nhiệm, nếu không đảm bảo theo tiêu chuẩn thì không xem xét bổ nhiệm lại, tuyệt đối không bổ nhiệm những người không đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định của Tỉnh ủy.
Năm là, tham mưu đề xuất Tỉnh ủy bổ sung chế độ hỗ trợ đối với cán bộ được cử đào tạo trong và ngoài tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là cán bộ, công chức cấp xã vùng sâu, vùng xa, lương thấp, kinh phí cho việc học và tự học lại gặp rất nhiều khó khăn.
Sáu là, hiện nay đội ngũ giảng viên trong hệ thống các trung tâm đào tạo và các trường đang thiếu về số lượng, số cán bộ có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy phần lớn đã lớn tuổi và không đủ điều kiện để tiếp tục học nâng cao trình độ; số giảng viên trẻ còn mới, chưa có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Do đó, cần kiện toàn đội ngũ giảng viên một cách toàn diện hơn để đáp ứng với yêu cầu dạy và học. Về nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học cần được đổi mới, gắn với thực tiễn và phản ảnh đầy đủ các yêu cầu mục tiêu đào tạo.
* Đồng chí PHẠM VĂN RU
TUV, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy