Công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015
Công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015
Trong 5 năm qua (2005 - 2010), thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc phòng giữ vững; nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững chắc; công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực v.v…Những thành tựu cơ bản đó đã được nêu bật trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII trình tại Đại hội IX. Ngành tuyên giáo và những người làm công tác tuyên giáo phấn khởi, vui mừng có đóng góp phần nhỏ của mình vào những thành tựu của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, là giai đoạn mà công tác tư tưởng đứng trước những thách thức, khó khăn. Tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên; tình trạng đình công của công nhân, khiếu kiện tập thể đông người diễn ra ở nhiều nơi và có xu hướng không giảm; tình trạng tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả; các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước bằng nhiều cách thức khác nhau can thiệp vào nội tình đất nước; các quan điểm sai trái, thù nghịch xuất hiện nhiều trên Internet; xu hướng xa rời lý tưởng và giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngày càng thể hiện rõ, nhất là trong thanh, thiếu niên. v.v…Những khó khăn, thách thức trên không phải là nhỏ và có tác động ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển chung của tỉnh. Song điều đáng mừng là chính trị, kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh vẫn được giữ vững và phát triển. Trong đó, Công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội đã góp phần không nhỏ trong sự ổn định và phát triển đó.
Để thực hiện quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại hội là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ; tăng cường đại đoàn kết toàn dân; huy động cao độ mọi nguồn lực, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong phạm vi bài tham luận và từ thực tiễn vừa qua, công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn (2010-2015), với những nội dung chủ yếu sau:
Một là, để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nhanh chóng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước các cấp, trước hết cần nhận thức rõ về vai trò, vị trí, chức năng của dư luận xã hội và sự cần thiết phải nắm bắt dư luận xã hội; hai là trên cơ sở chủ động, tích cực nắm bắt dư luận xã hội một cách khoa học và thường xuyên thì việc ra quyết định quản lý mới đảm bảo phù hợp, vừa “đúng” và vừa “trúng”.
Thực tế vừa qua cho thấy: có nơi khi “điểm nóng” xảy ra, thì cấp ủy và chính quyền cơ sở, thậm chí kể cả cấp trên cơ sở mới thấy sự “hụt hẫng” trong nắm bắt thông tin, và lúc này mới nhận ra sự chậm trễ trong xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Vì vậy, nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm công tác này thì ở nơi đó không hoặc ít xảy ra điểm nóng; những năm qua đã xảy ra một số vụ việc gây rối trật tự công cộng, một số vụ việc phức tạp gây bất ổn định xã hội v.v... Tất cả những vụ việc ấy đều xuất phát từ việc xem nhẹ hoặc chưa quan tâm đầy đủ đến công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.
Hai là, cần xác định rõ nguyên tắc toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là của cấp ủy Đảng các cấp, của đồng chí Bí thư cấp ủy. Đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp và báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy Đảng xử lý các vấn đề liên quan đến tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ. Tuy nhiên, trong Dự thảo Báo cáo chính trị có chỉ ra: có lúc, có nơi công tác tư tưởng thiếu sắc bén, kịp thời. Vì vậy, trong thời gian tới tập trung:
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có trình độ chính trị, có hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực, có trách nhiệm, tình cảm và có khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng thông tin đối với dư luận.
- Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng để thực hiện thông tin 2 chiều. Hiện có trên 4.500 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đội ngũ này đã có mặt ở khắp mọi nơi từ cấp tỉnh đến cơ sở và đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cũng từ đội ngũ này, nhiều thông tin, những vụ việc lệch lạc về tư tưởng, chính trị ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã được phản ánh một cách kịp thời tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin và kịp thời đề ra các biện pháp xử lí thích hợp nên đã hạn chế nhiều đến việc để xảy ra các điểm nóng.
- Ngoài ra, thông qua họp báo, giao ban thường kỳ, đột xuất, giao ban an ninh tư tưởng cũng góp phần quan trọng trong việc nắm bắt thông tin và định hướng dư luận. Việc duy trì thường xuyên giao ban, họp báo hằng 6 tháng và cuối năm với các báo trong và ngoài tỉnh đã kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng dư luận và cách giải quyết những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh.
Hội nghị báo cáo viên được tổ chức đều đặn hằng tháng và cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực cho đội ngũ báo cáo viên. Đây không những là dịp để cung cấp thông tin, kiến thức từ cấp trên xuống cấp dưới mà còn là kênh thông tin quan trọng để tiếp nhận những phản hồi, phản ánh từ cơ sở. Thông tin tư liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với nhiều nội dung bám sát tình hình chính trị của đất nước, của tỉnh hằng tháng đều được phát hành với gần 4 ngàn bản phục vụ kịp thời sinh hoạt chi bộ trên địa bàn.
Ba là, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội không chỉ là công việc của ngành chuyên môn, của cán bộ tuyên giáo mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị- xã hội trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội. Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành xây dựng nội dung, chương trình và đã bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo, nghiệp vụ báo cáo viên tuyên truyền miệng, nghiệp vụ cộng tác viên dư luận xã hội, nghiệp vụ viết tin, v.v cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở, với 2.570 học viên.
Vấn đề đặt ra là, trong thời gian tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ phối, kết hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở để nắm bắt dư luận xã hội một cách thường xuyên thông qua đội ngũ này.
Bốn là, chú trọng việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng, vì đây là cơ quan ngôn luận của Đảng và diễn đàn của nhân dân. Thông qua các phương tiện truyền thông, các tầng lớp nhân dân bày tỏ tâm tư, thái độ, nguyện vọng trước các sự kiện, các vấn đề xã hội và các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo, quản lý v.v.
Trong thời gian qua, việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông từ những tổng hợp, phân tích tình hình dư luận xã hội đã giúp cho các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp trong quá trình bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách sát thực, có tính khả thi cũng như có định hướng đối với dư luận xã hội, nên góp phần quan trọng trong định hướng dư luận, củng cố niềm tin và đồng thuận trong nhân dân, tạo sự ổn định chính trị- tư tưởng.
Năm là, Tăng cường hơn nữa việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội thông qua điều tra, khảo sát dư luận xã hội, đặc biệt là đối với những vấn đề bức xúc đang đặt ra.
5 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã duy trì hằng năm tiến hành khảo sát, điều tra dư luận xã hội với 7 cuộc và tổng số mỗi lần điều tra trên 2.200 phiếu. Trong đó có 2 cuộc điều tra phối hợp với Sở Nội vụ trên lĩnh vực nhạy cảm, đó là: kết quả cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính. Các kết quả điều tra xã hội học đều được lãnh đạo tỉnh sử dụng phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Tất nhiên, đó chưa phải là căn cứ duy nhất hay hoàn toàn đúng đắn, song kết quả điều tra là căn cứ quan trọng để qua đó cung cấp dữ liệu giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp kịp thời chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách, những việc làm hợp lòng dân.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn cung cấp địa chỉ Email, số điện thoại liên lạc của cộng tác viên dư luận xã hội và đã thường xuyên nhận được nhiều ý kiến đóng góp, những kiến nghị, phản ánh từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong những nội dung mà Ban Tuyên giáo nhận được không chỉ có khiếu nại, tố cáo mà trong đó còn có những ý kiến khen ngợi, những lời tâm tình, những ý kiến góp ý chân thành chứa đựng tình cảm và trân trọng. Qua đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy càng thấy trách nhiệm của mình và phải phấn đấu nhiều hơn để đáp lại những tình cảm tốt đẹp đó.
Từ thực tế công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nêu trên, để phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn (2010-2015), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin kiến nghị với Đại hội 5 nội dung, đó là:
Một là, từ nguồn thông tin phản hồi qua các kênh nắm bắt dư luận xã hội, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nắm chắc tâm trạng, suy nghĩ, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân bằng việc sử dụng các kết quả này trong việc ra các quyết định về lãnh đạo, quản lý. Đây cần phải được xem là khâu thiết yếu trong quy trình ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách. Vì vậy, có thể có những vấn đề lớn khi cần thông qua nên đưa nội dung dự thảo thăm dò dư luận xã hội hoặc lấy ý kiến của nhân dân.
Hai là, sử dụng kết quả nắm bắt dư luận xã hội để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Đó là việc cần có sự trao đổi thông tin, nắm bắt phản hồi, phản ứng của công chúng trước các nội dung thông tin đưa ra. Muốn vậy, cần phải nhanh chóng kịp thời cung cấp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân những thông tin chính xác để định hướng dư luận xã hội.
Ba là, từ những kết quả thu được của nắm bắt dư luận xã hội giúp cho cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc nhận ra và kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, ngăn chặn điểm nóng trên địa bàn. Việc xuất hiện các điểm nóng vừa qua cho thấy có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cấp ủy, chính quyền nơi đó chưa chú ý lắng nghe dư luận xã hội, chưa thật sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.
Bốn là, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành và từng đơn vị cần sử dụng kết quả nắm bắt dư luận xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và đề ra các giải pháp phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội có tính khả thi. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của dư luận xã hội để gây áp lực đối với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn. Thực tế thời gian qua, dư luận xã hội đã phát huy tốt vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội.
Năm là, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành và từng đơn vị cần sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức xã hội. Dư luận xã hội sẽ có sự cổ vũ, động viên đối với các hành vi cao thượng, lên án những hành động thấp hèn. Vì vậy, để làm tốt công tác này cần đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền về những tấm gương, các điển hình tiêu biểu.