Những giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị mới trên địa bàn giai đoạn 2010-2015
Những giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị mới trên địa bàn giai đoạn 2010-2015
Nhơn Trạch vốn là một huyện thuần nông, được tái thành lập vào năm 1994 theo Nghị định số 51/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/6/1994 trên cơ sở được tách ra từ huyện Long Thành. Sau khi điều chỉnh địa giới, hiện nay, Nhơn Trạch có 12 đơn vị hành chính trực thuộc với diện tích tự nhiên là 41.089ha.
Huyện có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội, đó là: nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, giữa khu tam giác năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/2006/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2020. Theo đó, Huyện được quy hoạch trở thành một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại- dịch vụ, du lịch, giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ của tỉnh Đồng Nai và vùng trọng điểm phía Nam, hướng phát triển đạt tiêu chí của đô thị loại II.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị mới được huyện tập trung thực hiện theo định hướng quy hoạch chung. Nhơn Trạch đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, đã tạo nên diện mạo của một đô thị mới; các khu công nghiệp đã được hình thành thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đã triển khai thực hiện các dự án khu dân cư- đô thị, khu du lịch sinh thái, thương mại - dịch vụ; các công trình công cộng được đầu tư xây dựng; các tuyến giao thông chính được bê tông hóa, nhựa hoá; hệ thống hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ với sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện,…..
Để đạt được những thành quả nêu trên ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân địa phương, huyện Nhơn Trạch còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh. Trên cơ sở Qui hoạch của thủ tướng Chính Phủ về thành phố mới Nhơn Trạch, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TU ngày 30/7/2009 về xây dựng thành phố Nhơn Trạch đến năm 2015 và định hướng năm 2020.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân Nhơn Trạch đã đạt được, qua thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, huyện Nhơn Trạch nhận thấy công tác quản lý qui hoạch và xây dựng đô thị mới trên địa bàn trong thời gian qua còn một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Đó là:
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tuy có phát triển nhưng không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, còn thiếu tính kết nối với các khu vực lân cận. Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều mặt bất cập, chưa đạt hiệu quả cao.
Vấn đề đặt ra cho Nhơn Trạch trong quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị mới giai đoạn 2010- 2015 là khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu; tranh thủ mọi điều kiện, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, đẩy mạnh phát triển thành phố Nhơn Trạch đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại II và trở thành một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của tỉnh, của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu tổng quát mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhơn Trạch lần thứ IV đã xác định.
Từ việc nhìn nhận thực trạng, phân tích nguyên nhân hạn chế và trên cơ sở tiềm lực vốn có, Đảng bộ huyện Nhơn Trạch đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong thực hiện tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị mới trong thời gian tới là: Tập trung huy động các nguồn lực phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và các khu dân cư đô thị theo quy hoạch với những nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, cụ thể như sau:
Nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch:
Một là, thực hiện nghiêm túc việc công bố, công khai các qui hoạch được duyệt để nhân dân an tâm sản xuất, kinh doanh, tích cực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai theo quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Hai là, cung cấp cho các tổ chức, cá nhân thông tin về quy hoạch trong phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng do địa phương quản lý. Có kế hoạch hướng dẫn, phổ biến cập nhật các quy định pháp luật về quản lý xây dựng cho Ủy ban nhân dân các xã.
Ba là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp cố tình vi phạm Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định của pháp luật. Thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn và kiên quyết kiến nghị các ngành chức năng tỉnh thu hồi các dự án không thực hiện đúng theo quy hoạch, chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Bốn là, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, trong công tác kiểm tra quản lý xây dựng trên địa bàn; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm để xảy ra tình trạng vi phạm về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Chú trọng vai trò trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương, trưởng các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan trong công tác quản lý đất đai và xây dựng nhằm góp phần thực hiện tốt công tácquy hoạch và quản lý quy hoạch.
Nhóm giải pháp thực hiện xây dựng đô thị mới:
Một là, tăng cường huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn ngân sách ưu tiên cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội của huyện; tập trung đầu tư hạ tầng khu vực được định hướng phát triển đô thị giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020 theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn kết với hệ thống hạ tầng của các địa phương lân cận. Chú trọng ưu tiên xây dựng các công trình trọng điểm, có hiệu suất sử dụng cao như các khu dân cư đô thị tập trung, hạ tầng giao thông, viễn thông và các hạ tầng dịch vụ khác như: Đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; cầu, đường nối Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch, đường 25C, mở rộng đường 25A, 25B, nâng cấp tuyến đê Ông Kèo thành tuyến đường giao thông chính; các trung tâm thương mại- dịch vụ; cụm cảng Phước An, Phú Hữu, .. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn để kết nối tốt mọi khu dân cư với các đường chính nhằm từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn.
Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Tiếp tục triển khai xây dựng các cơ quan hành chính trong khu trung tâm huyện. Đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng các khu dân cư đô thị, nhất là các khu dân cư trong khu trung tâm huyện và trong khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành qui hoạch chi tiết 1/500 và chuẩn bị khởi công xây dựng khu trung tâm thành phố Nhơn Trạch 600ha. Thực hiện tốt chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân trên địa bàn. Hoàn thành xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn để phục vụ cho công tác triển khai thực hiện các dự án.
Ba là, tiếp tục phát triển mạng lưới điện quốc gia, hệ thống chiếu sáng và mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo phủ sóng toàn địa bàn với công nghệ hiện đại, chất lượng cao. Phối hợp chặt chẽ cùng ngành tỉnh để tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân từ nhà máy nước Thiện Tân và nhà máy nước ở các khu vực.
Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng các cảng cùng với các tuyến đường kết nối cảng với hệ thống giao thông trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản có một số cảng đi vào hoạt động phục vụ tốt các khu công nghiệp và đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.
Bốn là, hàng năm rà soát lại quy hoạch, căn cứ vào yêu cầu phát triển của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch, Chú ý lựa chọn nguồn cán bộ là những người ưu tú trong công nhân trẻ, công chức trẻ, trong học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, trong lực lượng vũ trang, bộ đội xuất ngũ, con em cán bộ, gia đình có công cách mạng để đưa đi đào tạo, nhất là đào tạo các ngành nghề quan trọng phục vụ cho việc xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch như: tài nguyên- môi trường, quản lý đô thị, quản lý dự án, kinh tế, tài chính- ngân hàng, giáo dục, các ngành pháp luật,….
Việc xây dựng, phát triển thành phố Nhơn Trạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 không chỉ đơn thuần là việc xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế, mà còn phải đi đôi với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, văn minh đô thị. Do đó, công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục truyền thống dân tộc, quê hương; kết hợp thực hiện thống nhất, đồng bộ với các nhiệm vụ và giải pháp khác trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; xây dựng con người tri thức, văn hóa mới,… để từ đó có những ứng xử đúng đắn, góp phần xây dựng và phát triển quê hương là việc làm không thể thiếu trong việc thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị mới của huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2010- 2015.
Với những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như trên, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng như các đơn vị bạn, Đảng bộ và nhân dân huyện Nhơn Trạch tin tưởng sẽ sớm đưa Nhơn Trạch phát triển thành một đô thị mới văn minh, giàu đẹp theo đúng thần Nghị quyết 13/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV; góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế- xã hội của Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010- 2015.