Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham luận của Đảng bộ huyện Xuân Lộc

05:09, 24/09/2010

Nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn

Nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn

Đ/c Nguyễn Minh Nhật, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc trình bày tham luận tại đại hội

Xuân Lộc trước đây, hiện nay và trong 5 năm tới vẫn được xác định là huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Đồng Nai và là huyện điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới, như sau: “...Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt quan tâm đối với kinh tế tập thể và hợp tác xã...”. “...Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập người nông dân, có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc và có môi trường sinh thái tốt.” và “...Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, hiệu quả cao... Tập trung xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác có mức độ chuyên môn hóa và thâm canh cao...; huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển có trọng tâm, trọng điểm và đầu tư tập trung hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn...”.

Với truyền thống, lợi thế, kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Xuân Lộc những năm qua, nhất là trong phát triển các loại hình kinh tế tập thể thông qua mô hình các Câu lạc bộ, Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao và các Hợp tác xã..., với 242 Câu lạc bộ, 07 Liên hiệp Câu lạc bộ, 22 Hợp tác xã và 02 Quỹ tín dụng nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn và những vấn đề nêu trên, đồng thời căn cứ vào định hướng của tỉnh về phương hướng phát triển của huyện Xuân Lộc trong 5 năm tới, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2010- 2015 xác định “...Phấn đấu xây dựng huyện Xuân Lộc hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Từ định hướng và mục tiêu này, Đảng bộ huyện Xuân Lộc cũng đã xác định và đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để quyết tâm phấn đấu thực hiện trong 5 năm tới.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị, Đoàn Đại biểu Đảng bộ huyện Xuân Lộc thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn được thể hiện trong Báo cáo chính trị trình ra Đại hội. Với trách nhiệm của mình trong việc quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới, Đảng bộ huyện Xuân Lộc xin trình bày trước Đại hội về một số nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Về đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, Đảng bộ huyện tiếp tục xác định và quán triệt thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như sau:

Một là, tiếp tục quan tâm phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành nhằm tạo chuyển biến về nhận thức đối với các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về chất lượng, hiệu quả của mô hình câu lạc bộ năng suất cao, liên hiệp câu lạc bộ và các hợp tác xã làm ăn có hiệu quả; phổ biến những kiến thức cơ bản và tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến và trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác có hiệu quả để nhân rộng.

Hai là, tập trung củng cố các câu lạc bộ, liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao và các hợp tác xã hiện có; chú trọng vận động nhân rộng và thành lập mới các Câu lạc bộ, Liên hiệp Câu lạc bộ và Hợp tác xã theo mô hình mới và sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, có tiềm lực. Gắn phát triển các loại hình kinh tế tập thể với kinh tế hộ gia đình theo hình thức dịch vụ hỗ trợ để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, hiệu quả; mở rộng một số loại hình dịch vụ như: làm đất, bảo vệ thực vật, cung ứng cây, con giống, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011- 2015, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy. Trong đó chú trọng các nội dung:

- Quan tâm kiểm tra, hướng dẫn các Hợp tác xã, các Liên hiệp Câu lạc bộ và Câu lạc bộ năng suất cao hoạt động theo đúng quy định của phát luật và Điều lệ, quy chế; kịp thời rà soát, điều chỉnh và bổ sung Điều lệ, quy chế cho phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ và quan tâm tập trung hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật cho các Hợp tác xã, Liên hiệp Câu lạc bộ và Câu lạc bộ năng suất cao.

- Xây dựng các Hợp tác xã với thành viên đa dạng (gồm các thể nhân và pháp nhân) để trở thành đầu mối chủ yếu trong việc ký kết hợp đồng mua bán và làm đại lý mua bán với doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản và vật tư nông nghiệp trên thị trường nông thôn để thực hiện tiêu thụ phần lớn nông sản cho nông dân và cung ứng những vật tư quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, triển khai việc hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về Hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả làm cơ sở nhân rộng và thu hút người lao động gia nhập Hợp tác xã.

- Tạo lập mối liên kết giữa lưu thông hàng hóa với sản xuất, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Phát triển các phương thức đại lý mua bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ, vật tư theo hợp đồng ổn định, lâu dài. Chỉ đạo thực hiện việc phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng với các Hợp tác xã, Câu lạc bộ, Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao, các trang trại và các hộ nông dân trong việc cung cấp giống, vốn, vật tư, kỹ thuật và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Ba là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng phát triển làng nghề, các chương trình mục tiêu của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình xã hội khác, nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, thông qua đó tạo điều kiện và tiền đề cho các loại hình kinh tế tập thể phát triển.

Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, chú trọng rà soát phân công nhiệm vụ giữa các ngành và các địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong nhiệm vụ quản lý kinh tế tập thể, với quan điểm ở huyện phải có từ 2- 3 cán bộ và ở huyện có 01 cán bộ trực tiếp theo dõi về kinh tế tập thể. Đồng thời chỉ đạo quán triển, thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp; các quy định về quản lý, chế độ thông tin và tiêu chí đánh giá về kinh tế tập thể. Tiếp tục đưa chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể vào kế hoạch kinh tế- xã hội hàng năm và kế hoạch phát triển của ngành.

Huyện Xuân Lộc đến năm 2015 phải hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; với mục tiêu phấn đấu có từ 70-80% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh. Có thể nhận thấy phương hướng, mục tiêu nêu trên là rất nặng nề và khó khăn. Nhưng với trách nhiệm của mình, Đảng bộ huyện đã xác định và đề ra những nhiệm vụ và giải pháp để phấn đấu, nỗ lực thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hay vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề rất lớn và dường như nó cùng là một, cùng có mục tiêu chung và có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Đối với huyện Xuân Lộc, nhìn lại nhiệm vụ những năm trước đây, hiện nay và phương hướng trong thời gian tới, Đảng bộ huyện vẫn đã, đang và sẽ luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể, qua gần 2 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về xây dựng nông thôn mới; căn cứ vào 20 chỉ tiêu cơ bản mà tỉnh đưa ra, dự kiến đến cuối năm 2010, huyện Xuân Lộc thực hiện vượt 17/20 chỉ tiêu. Trong đó, đối với 02 xã điểm của huyện và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới là xã Xuân Phú và Xuân Định dự báo sẽ hoàn thành vào quý I/2011. Đồng thời, mới đây huyện đã khảo sát và báo cáo, đăng ký với tỉnh thêm 03 xã xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 là Bảo Hòa, Xuân Thọ và Suối Cao. Ngoài ra, theo kế hoạch đến năm 2015 huyện phấn đấu có trên 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.

Để phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện Xuân Lộc xác định quan điểm chung đó là phải tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt 14 nhóm giải pháp về xây dựng nông thôn mới theo Đề án nông thôn mới tỉnh Đồng Nai đã được phê duyệt theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai. Tại Đại hội hôm nay, thay mặt Đảng bộ huyện Xuân Lộc, tôi xin báo cáo thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp mà huyện cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, như sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng của huyện tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện việc thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện các mô hình xây dựng nông thôn mới, xem đây vừa là trách nhiệm và cũng là quyền lợi chung, thiết thực của các cơ quan, đơn vị và của chính người dân.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo đảm phù hợp với định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch về phát triển sản xuất nông nghiệp, về kết cấu hạ tầng nông thôn (như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện sản xuất, sinh hoạt, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn), về điểm dân cư nông thôn và vùng chăn nuôi tập trung. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo phát triển các nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương như điều kiện về đất đai, khí hậu, tập quán sản xuất của người dân..., đồng thời có giải pháp để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành thương hiệu sản phẩm.

- Tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến công bằng nhiều phương thức, kể cả việc liên kết với đội ngũ các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học để đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học trong sản xuất cho nông dân, nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp và thích ứng với nhu cầu thị trường.

- Tổ chức rà soát các loại hình kinh tế hợp tác để hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các loại hình kinh tế hợp tác phát triển, đặc biệt khuyến khích phát triển nhanh loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn, kể cả việc tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến để gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương, coi đây là những tiền đề rất quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trên địa bàn huyện.

- Chú trọng công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của huyện trong thời gian tới. Trong đó, cần ưu tiên đào tạo các ngành, nghề để tiếp cận khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đào tạo các ngành, nghề phi nông nghiệp và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ đầu tư và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ khu nông- công nghiệp Donataba, Donafoods, dự án Groland và các dự án khác để chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoàn thành các Đề án nông thôn mới đối với 02 xã được chọn thực hiện điểm là xã Xuân Phú và Xuân Định, đồng thời triển khai nhân rộng các xã còn lại theo kế hoạch để đến năm 2015 có trên 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh. Chú trọng tổ chức lồng ghép các chương trình, chỉ đạo các ban, ngành tập trung hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện, tổ chức thực hiện với quan điểm là kết hợp hiệu quả, hợp lý các nguồn lực ở địa phương, đặc biệt là nguồn nội lực trong nhân dân với nguồn lực của Nhà nước trong quá trình thực hiện đầu tư các Dự án theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020. Tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Từng bước xây dựng, củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã; kiến nghị cho thực hiện các chế độ, chính sách thu hút, động viên khuyến khích đối với y, bác sĩ về công tác tại cơ sở, tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Gắn xây dựng nông thôn mới với bảo vệ môi trường, giải quyết an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc trong đó chú ý nâng cao dân trí, đào tạo nghề, huy động trách nhiệm toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia tích cực chăm lo cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc.

- Gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện và triển khai thực hiện tốt đề án nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, ban khu (ấp), tổ dân vận, mặt trận, các đoàn thể khu (ấp) theo hướng vững mạnh toàn diện. Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ cơ sở, làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.

Thứ ba, song song với tích cực phát huy nội lực, huyện Xuân Lộc đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ và cho “cơ chế mới” để địa phương có thể áp dụng trong việc huy động các nguồn vốn phục vụ cho nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vì theo tính toán, tổng nguồn vốn ước tính cần phải có là trên 4.793 tỷ đồng (gồm: nguồn vốn ngân sách trung ương là 395 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh là 1.243 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện là 260 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách xã là 2 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng là 2.696 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa là 189 tỷ đồng và nguồn vốn khác là 10 tỷ đồng).

Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo để sớm triển khai xây dựng công trình Hồ chứa nước Gia Măng nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện; triển khai đầu tư xây dựng 02 khu nông - công nghiệp trên địa bàn huyện...

Tin xem nhiều