Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham luận của Đảng bộ Sở Giao thông vận tải

07:09, 24/09/2010

Nhiệm vụ và giải pháp đột phá để phát triển hạ tầng giao thông phục vụ mục tiêu đến năm 2015 Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nhiệm vụ và giải pháp đột phá để phát triển hạ tầng giao thông phục vụ mục tiêu đến năm 2015 Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đ/c Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trình bày tham luận tại Đại hội

Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh. Hệ thống giao thông Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực trọng điểm phía Nam và kết nối giao thông với nhiều vùng trên toàn quốc, là một trong những tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, hệ thống giao thông của tỉnh đã có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải. Đến nay, trên toàn tỉnh đã phát triển khoảng 6.877 km đường, gồm: 05 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 244 km, nhựa hóa 100%; 20 tuyến Tỉnh lộ với tổng chiều dài 511 km, nhựa hóa 100% (đạt mục tiêu nghị quyết), riêng trong năm 2010 nhận bàn giao, nâng cấp một số tuyến đường huyện thành đường tỉnh quản lý với tỷ lệ nhựa hóa khoảng 90%; đường đô thị, đường huyện tổng chiều dài 1.491 km, nhựa hóa 60%; đường xã, phường có tổng chiều dài 4.143km, nhựa hóa 30% và 487 km đường chuyên dùng. Đường thủy, đã khai thác và đang xây dựng một số cảng biển, cảng sông, cảng ICD như Cảng Đồng Nai, cảng Gò Dầu A, Gò Dầu B … . Đường sắt, hiện đang khai thác tuyến đường sắt Thống Nhất do Trung ương quản lý (với chiều dài đi qua địa bàn tỉnh 87,5 km), đây là tuyến đường sắt Quốc gia thông suốt từ Bắc đến Nam. Đường không, đang triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành. Như vậy, trong tương lai, hệ thống giao thông Đồng Nai phát triển đủ các loại hình: đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường không. Với hệ thống hạ tầng giao thông trên, các loại hình vận tải ngày càng phát triển nhất là vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về vận tải tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giao thông, vận tải trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải những năm qua vẫn còn những tồn tại: hạ tầng giao thông chưa được hoàn chỉnh, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và của vùng, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị hóa và nhu cầu đi lại của dân cư. Thực tế hiện nay, một số tuyến Quốc lộ kết nối liên vùng và đường giao thông nội tỉnh đang có trình trạng quá tải; vận tải thủy, dịch vụ logictis chỉ mới phát triển bước đầu, thiếu hụt hệ thống cảng cạn, cảng biển có quy mô và năng suất khai thác lớn; giao thông đường sắt chưa xây dựng được các tuyến mới theo quy hoạch; các dịch vận tải chậm đổi mới, sự kết hợp giữa các loại hình vận tải chưa thật sự đồng bộ và phát huy hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước còn một số hạn chế, nhất là nắm bắt năng lực của nhà thầu ở các công trình địa phương.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Ngành Giao thông - Vận tải Đồng Nai định hướng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Tập trung phát triển các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến cao tốc, các tuyến vành đai liên vùng, các tuyến giao thông nội tỉnh để mở rộng, tạo sự thông suốt giao thông trên địa bàn, kết nối giữa các khu vực tập trung đô thị, các khu công nghiệp, các cảng sông, cảng biển và kết nối trong vùng. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các cảng tổng hợp có quy mô lớn; tổng kho trung chuyển tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ vận tải kho bãi theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

 Tích cực xây dựng đưa vào khai thác các tuyến cao tốc và các tuyến vành đai liên vùng: thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Biên Hòa – Vũng Tàu; Dầu Giây – Phan Thiết. Chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải mời gọi đầu tư các dự án : Cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt; Cầu Đường Quận 9 TP Hồ Chí Minh sang Nhơn Trạch; cao tốc liên vùng Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành; Vành đai 4 liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoàn tất đầu tư xây dựng đưa vào khai thác tuyến QL.51; xây dựng mới tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Biên Hoà; tránh thị xã Long Khánh; Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 20. Đầu tư phát triển theo quy hoạch 15 tuyến đường giao thông nội tỉnh và 03 cầu, tổng chiều dài 264km. Đây là các tuyến trục quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng thành phố Hồ Chí Minh. Sự hình thành các tuyến cao tốc, vành đai liên vùng nói trên sẽ rút ngắn hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Đồng Nai, Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc, thúc đẩy nhanh sự hình thành phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ …

2- Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai xây dựng các tuyến đường thuộc Trung ương quản lý: đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối tuyến đường sắt Hoà Hưng – Biên Hòa - Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng giữa các khu vực.

3- Tập trung xây dựng các cảng tổng hợp phục vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển Cảng Phước An; cảng tổng hợp Phú Hữu 1, Phú Hữu 2, tiếp tục mở rộng cảng Đồng Nai, cảng Gò Dầu A, Gò Dầu B; các bến thuỷ nội địa. Quy hoạch, xây dựng và phát triển Tổng kho trung chuyển miền Đông phục vụ trên địa bàn và phục vụ chung cho toàn vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

4- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nhanh chóng hoàn tất quy hoạch chi tiết, tiến tới đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án sân bay Quốc tế Long Thành để có thể đưa vào khai thác cuối năm 2015 với công suất phục vụ 30 triệu hành khách/năm, 40 triệu tấn hàng hóa/ năm.

5- Đẩy nhanh đầu tư phát triển các dự án giao thông nông thôn, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc … nhằm tạo điều kiện vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các khu vực, vừa kết hợp đảm bảo tốt an ninh quốc phòng, đồng thời gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch 97 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII).

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, ngành tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp trọng yếu sau:

1- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, các địa phương trong vùng, các Bộ, ngành Trung ương liên quan thực hiện tốt công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn và tổ chức quản lý thực hiện theo đúng quy hoạch, chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực . 

2- Để khắc phục khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu vốn đầu tư, trong khi đó nhu cầu để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải là rất lớn. Sở Giao thông - Vận tải sẽ chủ động phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tỉnh những phương án về chính sách để huy động vốn từ các nguồn vốn: Trung ương, trong đó đặc biệt là nguồn vốn Trái phiếu của Chính phủ; đầu tư nước ngoài; các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh với các hình thức phù hợp và ưu tiên cho từng công trình, đặc biệt là các dự án  trọng điểm, dự án vùng nông nghiệp - nông thôn.  

3- Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý xây dựng cơ bản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong đấu thầu tư vấn, đấu thầu thi công …. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án. Tăng cường giám sát cộng đồng, công tác phản biện xã hội và chống thất thoát trong xây dựng cơ bản.

4- Tiếp tục có phương án đề xuất với tỉnh về chính sách vốn và gắn với biện pháp quản lý phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế và các cá nhân tích cực đầu tư đổi mới và hiện đại hóa phương tiện, đảm bảo cao nhất an toàn trong vận tải trong mọi thời điểm, nhất là vận tải hành khách và đảm bảo môi trường.

5- Chú trọng mở rộng, đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, nhất là vận tải phục vụ công cộng (đưa rước học sinh, công nhân các khu công nghiệp và nhân dân). Ngành sẽ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để giảm bớt các tuyến xe buýt không hiệu quả và đề xuất mở thêm những tuyến xe buýt có trợ giá đối với những tuyến thực sự có nhu cầu, nhất là các tuyến ở vùng sâu, vùng xa.  Mở rộng các loại hình xe đưa rước công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện giao thông tiếp cận với người tàn tật.

6- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông – vận tải: Nâng cao chất công tác quy hoạch; có biện pháp tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo lái xe; kiểm tra chặt chẽ và hiệu quả công tác thanh tra giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác quản lý; tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe; có kế hoạch cụ thể chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục về Luật giao thông, văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh và công nhân lao động.

7- Đánh giá rà soát bổ sung quy hoạch nguồn nhân lực trong ngành, đặc biệt là nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật giỏi để chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đặt ra đối với ngành

 Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông – vận tải, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ viên chức trong toàn ngành; tranh thủ sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng Trung ương. Ngành Giao thông - Vận tải kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương các cấp, đây chính là nguồn động lực to lớn cổ vũ, động viên, giúp ngành Giao thông vận tải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong những năm tới./

Tin xem nhiều