Những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế Đồng Nai giai đoạn 2010-2015
Những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế Đồng Nai giai đoạn 2010-2015
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Đồng Nai đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao với cơ cấu hợp lý, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Song bên cạnh đó cũng còn những tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục và tìm các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015.
Trong bối cảnh cả nước và tỉnh Đồng Nai chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011 – 2015 là “phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường; nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015”.
Để đạt được mục tiêu trên cần có sự nỗ lực phấn đấu và phối hợp cao của toàn bộ hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung là 6 giải pháp mang tính đột phá sau đây:
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực:
Con người là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công. Bất cứ lĩnh vực nào từ quản lý đến sản xuất kinh doanh, từ kỹ thuật thô sơ đến công nghệ hiện đại cũng cần có sự tham gia của con người để trực tiếp quản lý, điều hành, vận hành. Do vậy phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn mới là rất cần thiết và cấp bách.
Với mục tiêu trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015, cần phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết cơ bản về pháp luật, có trình độ lý luận chính trị, có khả năng hội nhập quốc tế; có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề… và trên hết là phải có đạo đức, trách nhiệm trong công việc. Do vậy tỉnh cần tập trung công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2011 – 2015; tăng cường đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Bên cạnh đó tỉnh cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài; đồng thời tích cực vận động, thu hút các tổ chức, cá nhân đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực đào tạo như xây dựng trường Cao đẳng, Đại học và các trường đào tạo nghề góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.
Thứ hai, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật:
Trong các năm qua Đồng Nai đạt được kết quả thu hút đầu tư khá cao (bao gồm đầu tư trong nước và nước ngoài), nhiều dự án đã đầu tư và đưa vào hoạt động có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên mạng lưới hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đã quá tải, nhiều khu công nghiệp và khu đô thị mới đang chuẩn bị hình thành cần thiết phải đầu tư kết nối hạ tầng như: giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc… để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư đáp ứng thì khả năng thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư càng cao, nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ mở ra tạo việc làm cho người lao động, tăng đóng góp vào ngân sách tạo nguồn vốn để đầu tư hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, văn hóa…) góp phần nâng cao mức sống người dân và giải quyết an sinh xã hội.
Với nguồn vốn đầu tư eo hẹp từ ngân sách như hiện nay, không đảm bảo cân đối cho đầu tư các công trình hạ tầng. Vì vậy, cần tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tập trung huy động các nguồn lực từ vốn ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư theo hình thức BOT, huy động xã hội hóa… đồng thời cần rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao.
Thứ ba, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ tín dụng ngân hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc, du lịch, dịch vụ y tế, đào tạo:
Cùng với phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh thời gian qua có mức tăng trưởng khá cao song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tăng nhanh cùng với nhiều dự án đầu tư được cấp phép, do vậy nhu cầu về tín dụng tăng cao; các dịch vụ vận tải kho bãi, giao nhận hàng cũng có nhu cầu rất lớn. Là một tỉnh phát triển công nghiệp nên có nhiều lao động đến làm việc và sinh sống, từ đó phát sinh nhu cầu về giải quyết nhà ở, đi lại, y tế, giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí là rất lớn. Do vậy cần tập trung thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ nói trên và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. Dịch vụ phát triển không những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế hợp lý mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án kỹ thuật cao, các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp.
Lĩnh vực này các năm qua địa phương đã quan tâm thực hiện song kết quả còn hạn chế. Trong giai đoạn 2011 – 2015 tiếp tục kêu gọi đầu tư theo định hướng nói trên, không đặt nặng số lượng dự án mà quan trọng là nâng cao chất lượng dự án đầu tư vào các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nông nghiệp, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học để tạo điều kiện thu hút các dự án theo định hướng ưu tiên nói trên và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Với xu thế hội nhập, phát triển, việc cạnh tranh trên thị trường là vấn đề quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, vì vậy cần có giải pháp vận động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng.
Thứ năm, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa.
Là một tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước nhưng khu vực nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai cũng khá rộng lớn. Trong số 171 xã phường, thị trấn thì có đến 136 đơn vị là xã (thuộc vùng nông thôn). Lượng dân số sống ở vùng nông thôn khá đông, vì vậy nhiệm vụ đầu tư hạ tầng ký thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.
Theo kế hoạch phát triển nông thôn mới, để đạt các tiêu chí nông thôn mới cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn và vận động nhiều nguồn lực tham gia, trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tuy không chiếm đa số nhưng có vị trí hết sức quan trọng, là hạt nhân để huy động các nguồn vốn khác. Trong cân đối vốn đầu tư từ ngân sách cần phải tập trung đầu tư khu vực nông thôn, đồng thời chính quyền các cấp tuyên truyền vận động người dân và các tổ chức tham gia đầu tư mới có khả năng đạt được mục tiêu về xây dựng các xã điểm theo tiêu chí nông thôn mới. Về sản xuất nông nghiệp, cần có kế hoạch hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học, thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí đảm bảo cạnh tranh được trên trường quốc tế, có như vậy mới mang lại nguồn lợi trong sản xuất nông nghiệp và góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Thứ sáu, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức, ưu tiên các lĩnh vực tạo sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Lĩnh vực này còn khá mới đối với địa phương, do vậy cần phải có yêu cầu định hướng tập trung kèm theo cơ chế chính sách thích hợp để tạo điều kiện thực hiện thuận lợi.
Sáu giải pháp nói trên chỉ mang tính chất đại diện, bên cạnh đó còn nhiều giải pháp khác mà từng ngành, từng đơn vị, từng địa phương tùy theo tình hình, đặc điểm riêng để có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2015.