Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham luận của Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

07:09, 24/09/2010

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 – 2015 theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững

Đ/c Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận tại Đại hội

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 – 2015 theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững

Thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, thực chất là chúng ta thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với những nội dung cơ bản là:

Từng bước hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển dịch vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phát triển bền vững trên nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật ngày càng hiện đại; cơ khí hóa, điện khí hóa nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn. Thực hiện tốt các nội dung này chúng ta sẽ đạt được kết quả là:

- Nông nghiệp: Trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có qui mô lớn, năng suất lao động cao, tạo ra những sản phẩm nông sản có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và đồng đều về chủng loại, có sức cạnh tranh trong và ngoài nước.

- Kinh tế nông thôn: Sẽ chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, ở nông thôn sẽ bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại; các cơ sở sản xuất đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh quy mô lớn; đồng thời vẫn tồn tại một số vùng sản xuất quy mô nhỏ nhưng đều được ứng dụng công nghệ chế biến với quy mô thích hợp. Phần lớn các cơ sở công nghiệp đặt ở vùng nông thôn sẽ tạo ra các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ mới, ngành nghề nông thôn được phát triển mạnh, hình thành các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống. Với cách thức tổ chức sản xuất  và cơ cấu kinh tế nông thôn như vậy, lao động nông nghiệp được thu hút và chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực phi nông nghiệp, đồng thời, họ vẫn gắn bó với nông thôn, không tách rời nông thôn “ly nông bất ly hương”.

Trên cơ sở phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm được đảm bảo, người dân nông thôn có điều  kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn, thành thị  ngày càng được thu hẹp.

Những thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã được báo cáo chính trị nêu rõ. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:      

        1. Nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả:

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, tiến hành rà soát quy hoạch nông thôn nói chung và nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng để có điều kiện phát triển; Rà soát, lựa chọn chủng loại và quy mô sản xuất từng tiểu ngành trong sản xuất nông nghiệp theo hướng vừa khai thác được lợi thế từng vùng, tiểu vùng, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường ở mức cạnh tranh cao.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ gắn với thị trường tiêu thụ nông sản trên cơ sở các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình, quy phạm, quy định phù hợp điều kiện sản xuất và nhu cầu người tiêu dùng. Gắn phát triển công nghiệp chế biến nông sản với vùng nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tách rời giữa sản xuất với chế biến tiêu thụ.

Triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010. Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3719/QĐ-UBND ngày 15/12/2009.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm để hỗ trợ công tác tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền để từng bước giúp nông dân khắc phục nếp nghĩ, cách làm nhỏ lẻ, manh mún, mà phải nhận thức được rằng: trong điều kiện hiện nay, nếu sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, không áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm sản xuất ra không có thương hiệu, sản xuất nhưng không biết thị trường cần sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm như thế nào thì người nông dân khó có cơ hội để phát triển sản xuất ổn định, có hiệu quả và bền vững.

 2. Nhiệm vụ, giải pháp về ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm:

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa về sinh học và phát triển bền vững, trước hết:

- Ưu tiên đối với giống cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Quyết định số 43 về chương trình phát triển giống cây con chủ lực của tỉnh.

- Tăng cường sử dụng các loại phân bón vi sinh, phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, các loại thức ăn gia súc, gia cầm giàu dinh dưỡng, các loại thuốc thú y và vacxin thế hệ mới.

- Thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đối với sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu nông sản.

- Nhân rộng các mô hình, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với cây trồng: tập trung vào bảo vệ thực vật, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, nghiên cứu các quy luật phát triển dịch bệnh trên địa bàn; biện pháp phòng trừ sinh học để giảm sử dụng phân, thuốc hóa học, ứng dụng kỹ thuật và liều lượng phun xịt hiệu quả, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống; kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ đối với cây ăn quả.

Đối với chăn nuôi: Triển khai, thực hiện tốt dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, đồng thời thực hiện quy định đăng ký chăn nuôi để có cơ sở vững chắc làm tốt công tác thú y xây dựng vùng an toàn dịch, nghiên cứu ứng dụng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật để phòng chống, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan.

3. Đối với công nghệ sau thu hoạch:

- Tập trung phổ biến, ứng dụng công nghệ thiết bị bảo quản, đóng gói các loại nông sản.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ phát triển sản xuất sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn theo Quyết định 107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ thực hiện quy trình Viet Gap  đối với rau quả; Đề án giảm tổn thất sau thu hoạch theo Nghị Quyết 48 của Chính phủ.

- Rà soát và tổ chức thực hiện các quy định về tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất nông nghiệp để quản lý và kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ khâu giống, kỹ thuật thâm canh, bảo quản, chế biến, vật tư đưa vào phục vụ sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sớm thành lập và tổ chức triển khai hoạt động Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản.

 4. Giải pháp phát triển hạ tầng các công trình thủy lợi:

Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, đối với các công trình thủy lợi: tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng quản lý, khai thác các công trình hiện có để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện phân cấp quản lý, điều chỉnh thực hiện đa dạng hóa mục tiêu phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các công trình hiện có và những công trình sẽ được xây dựng trong thời gian tới, đảm bảo phục vụ sản xuất có hiệu quả; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; trước mắt: tập trung tổ chức thực hiện nạo vét kênh mương, kiểm tra các công trình đầu mối hồ chứa nước, chuẩn bị hệ thống bơm, khai thác tối đa lượng nước phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp và sinh hoạt, sớm thành lập tổ hợp tác dùng nước.

 5. Giải pháp về phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp:

a/ Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp:

- Kinh tế hộ gia đình tồn tại và phát triển lâu dài, có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Do đó tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích những hộ có kinh nghiệm, có năng lực trong tổ chức sản xuất phát triển thành những hộ sản xuất hàng hóa theo hướng trang trại; tạo điều kiện tăng quy mô trang trại để từng bước phát triển nền nông nghiệp theo hướng chuyên môn hoá cao. Song song phát triển kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hoá cao, cần tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để hộ nghèo có điều kiện hoạt động được trong nền kinh tế thị trường, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.

- Tiếp tục củng cố phát triển các tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao và HTX nông nghiệp để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả, làm tốt vai trò vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế hộ phát triển, vừa góp phần phát huy hiệu quả đầu tư của nhà nước trên từng địa bàn, đồng thời bảo vệ lợi ích của kinh tế hộ, khắc phục tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

- Phối hợp các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách:  tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị địng số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010; khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010; Chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia thực hiện đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp, cần có giải pháp tập hợp liên kết sản xuất cho phù hợp với yêu cầu mới trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, khuyến khích liên kết 4 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua.

6. Giải pháp nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của ngành:

- Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động bộ máy của Sở, từng bước nâng cao năng lực cụ thể hóa, tổ chức triển khai và kiểm tra quá trình thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về quản lý nhà nước đối với ngành.

- Chú trọng sự phối hợp với các ngành và các địa phương, tổ chức mặt trận và các đoàn thể trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ đạt hiệu quả. 

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến; nâng cao kiến thức quản lý cho cán bộ nông nghiệp cơ sở.

Tin xem nhiều