Để tiếp tục phát huy truyền thống 80 năm công tác dân vận của Đảng và những thành quả mà công tác vận động quần chúng toàn tỉnh đạt được thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của cấp ủy Đảng trong thời kỳ mới".
Để tiếp tục phát huy truyền thống 80 năm công tác dân vận của Đảng và những thành quả mà công tác vận động quần chúng toàn tỉnh đạt được thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của cấp ủy Đảng trong thời kỳ mới".
Quang cảnh hội thảo "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của cấp ủy Đảng trong thời kỳ mới". |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến về những kinh nghiệm hay trong công tác dân vận ở các cấp thời gian qua và giải pháp thiết thực cho việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian tới đã được đưa ra.
* Những kinh nghiệm về dân vận khéo
Ông Nguyễn Quang Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), cho biết: Địa phương có trên 99% là đồng bào theo đạo Công giáo. Những năm qua, Đảng bộ xã liên tục đạt trong sạch vững mạnh; chính quyền làm tốt công tác quản lý điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; 98% hộ gia đình và cả 4/4 ấp đạt danh hiệu văn hóa... Có được những kết quả trên, theo ông Đạo, là nhờ vai trò của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền và ý thức trách nhiệm công tác của từng cán bộ, đảng viên đã luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, biết giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của toàn hệ thống chính trị trong xã, biết lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các chức sắc, chức việc, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà nghị quyết Đảng bộ xã đề ra hàng năm.
Ông Lê Quang, Chủ tịch UBND phường Xuân Bình (TX.Long Khánh), thì cho hay, để phát huy được vị trí chiến lược của phường trung tâm thị xã, phường Xuân Bình có cách làm: Chú trọng đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ tiếp xúc trực tiếp với nhân dân có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tâm và tầm, tạo được uy tín với nhân dân. Từ đó cán bộ nói dân mới hiểu và làm cho dân tin. Khi đã có được "lòng dân" rồi thì mọi việc đều trở nên thuận lợi. Nay 100% tuyến đường hẻm ở phường đã được trải nhựa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; phường cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh vận động nhân dân đóng góp, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng tháng cho tổ trưởng tổ nhân dân và các trưởng chi hội đoàn thể các khu phố, với số tiền 100-150 ngàn đồng/tháng/chức danh.
Ông Lê Văn Tân, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên - môi trường nêu rõ, để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và không làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân về các cơ quan công quyền, Sở nhận thấy rằng, công tác dân vận chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi những nhu cầu của nhân dân được giải quyết kịp thời, thỏa đáng và thuận lợi. Vì thế, Sở đã thực hiện công tác dân vận bằng cách gắn với cải cách thủ tục hành chính. Ngay từ năm 1997, Sở đã triển khai thí điểm việc tiếp nhận và trả hồ sơ cho dân tại một nơi gọi là "Tổ tiếp nhận hồ sơ" theo mô hình "một cửa" bây giờ. Lúc đó để làm công việc này Sở cử 3 cán bộ có chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt để tiếp nhận hồ sơ cho nhân dân và các tổ chức. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 181/2003 về áp dụng cơ chế "một cửa" trong các cơ quan hành chính Nhà nước, Sở là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mô hình. Hiện nay, tỷ lệ giải quyết đúng và trước thời gian quy định đạt 94% trong tổng số các loại hồ sơ của nhân dân và doanh nghiệp. Năm 2009, Sở cũng rà soát và trình UBND tỉnh điều chỉnh, bỏ bớt 62% thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho nhân dân khi đến làm việc với đơn vị.
* Dân vận cần phải khéo
Bên cạnh những kết quả đạt được từ công tác dân vận của tỉnh thời gian qua thì công tác vận động quần chúng của từng tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở chưa phát huy đồng bộ. Vẫn có lúc, có nơi công tác này chưa nắm bắt hết tình hình nhân dân; một số địa phương chưa giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc trong đời sống nhân dân. Một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ vai trò của công tác dân vận và chưa linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các nội dung của công tác dân vận...
Theo ông Đoàn Thạnh, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu: Để có kỹ năng, phương pháp làm dân vận thì chủ yếu do quá trình tích lũy, tự rèn luyện của mỗi cán bộ mà nên. Làm dân vận không chỉ cần có một trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải "khéo", tức là nhập được mình vào đối tượng cần tuyên truyền để đối tượng thấy cán bộ là bạn chứ không phải "ông quan", từ đó đối tượng mới sẵn sàng chia sẻ mọi điều với mình và thu hút được đối tượng vào tổ chức của mình. Ngoài ra, làm dân vận còn phải có một phong cách linh hoạt khi xuống với đối tượng nào phải hòa vào cuộc sống đối tượng đó.
Theo TS. Huỳnh Văn Tới, UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để làm tốt công tác dân vận, cần phải "chữa" 6 bệnh quan liêu: xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không tin cậy nhân dân và không thương yêu nhân dân. Hiện nay, cán bộ công chức khi tiếp xúc với nhân dân đang thiếu nụ cười, thích nói hơn là thích nghe dân nói và nhân xưng, ngữ điệu đôi khi thiếu tôn trọng người khác... Các bệnh này cần phải được mỗi người tự chữa cho mình. Tóm lại, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận, các cấp ủy Đảng cần chú tâm đến nhân tố con người; đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải biết làm công tác dân vận theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phương Hằng