Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 93 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2010)
Bác Hồ với những trang viết về Lê-Nin và Chủ nghĩa Lê-Nin

08:11, 05/11/2010

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin và cũng là người Việt Nam đầu tiên có tình cảm đặc biệt nhất đối với Lê-nin.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin và cũng là người Việt Nam đầu tiên có tình cảm đặc biệt nhất đối với Lê-nin.

 

Giữa Bác Hồ kính yêu và Lê-nin vĩ đại có sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị: Đó là sự kiện mà Bác Hồ và Lê-nin đã cùng chọn ở một khu phố tại Pa-ri để sống và hoạt động cách mạng- đó là phố Marie Rose. Cũng tại đây, vào mùa hè năm 1920, trong liên tiếp hai ngày 16 và 17-7-1920, báo Nhân Đạo đã đăng "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin". Những đêm ấy, trong căn phòng nhỏ tại ngõ hẻm Compoint, một ngọn đèn sáng mãi đến khuya và người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã vô cùng xúc động, đọc đi đọc lại những dòng chữ của Lê-nin. Ba năm sau, vào tháng 6 năm 1923, từ cầu thang con tàu Xô-viết Karl Liebknecht, Bác Hồ của chúng ta đã đặt chân xuống hải cảng Petrograd- đất nước của Lê-nin, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi Người hằng mong đợi. Điều mong ước đầu tiên của Bác chúng ta lúc này là được gặp Lê-nin. Nhưng Lê-nin lúc đó đang ốm nặng. Và đau thay, ngày 21-1-1924, Lê-nin vĩ đại đã đi vào cõi người hiền. Bác Hồ kính yêu đã đau đớn thốt lên: "Thế là tôi chưa được gặp Lê-nin, và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi".

 

Một tuần sau ngày Lê-nin mất, vào ngày 27-1-1924, trên tờ Pravda của Liên Xô đã đăng bài "Lê-nin và các dân tộc thuộc địa" của Nguyễn Ái Quốc. Bài viết đã thể hiện sâu sắc tình cảm của người viết và của nhân dân bị áp bức ở phương Đông đối với Lê-nin, trong đó có đoạn: "Từ những người nông dân ở Việt Nam đến người săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình... Họ cũng đã nghe nói rằng, nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lê-nin... Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này... muốn giải phóng các dân tộc khác nữa... Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội". "Lê-nin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" (Danh nhân Hồ Chí Minh, Tr.151). 6 tháng sau, vào tháng 7-1924, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục viết bài "Lê-nin và các dân tộc phương Đông" đăng trên báo Le Paria. Bài báo lại tiếp tục có những dòng ngợi ca chân thành về Lê-nin, về những tác động tích cực của chủ nghĩa Lê-nin đối với phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức, nhất là các dân tộc ở phương Đông. Bài viết nhấn mạnh: "Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lê-nin là hiện thân của tình anh em bốn bể" (Sách đã dẫn-tr.152). Cũng thời gian này, trong Đại hội lần thứ năm của Quốc tế cộng sản họp tại Moscow từ ngày 17-6 đến ngày 8-7-1924, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham dự với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp và các thuộc địa Pháp. Với bản tham luận sắc bén của mình, Bác Hồ không những đã vạch trần những tham vọng đê hèn của chủ nghĩa đế quốc mà còn lên tiếng ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới và khẳng định: "...Chúng ta đã tự coi mình là học trò của Lê-nin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quí báu của Lê-nin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác" (Hồ Chí Minh- Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội-tr29). Một năm sau, nhân kỷ niệm một năm ngày Lê-nin qua đời, Bác lại viết bài Lê-nin và các dân tộc thuộc địa đăng trên tạp chí Đỏ số 2-1925, Bác đã nêu bật vai trò của Lê-nin đối với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc thuộc địa rằng: "Lê-nin đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên cách mạng mới và chân chính trong các nước thuộc địa", "Lê-nin đã tìm ra những phương pháp cần thiết để tiến hành có kết quả công tác trong các nước thuộc địa và đã nhấn mạnh là cần phải vận dụng phong trào cách mạng dân tộc ở những nước này". Bài viết nhấn mạnh: "Đối với lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lê-nin là một người sáng tạo ra cuộc đời mới, một ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải phóng" (HCM-Vì độc lập tự do, vì... tr36-37). Lê-nin đã nhìn nhận một cách khoa học vị trí của vấn đề giải phóng dân tộc trong sự nghiệp chung của cách mạng vô sản thế giới, đã chỉ ra đường lối chiến lược, sách lược và những biện pháp cần thiết của cuộc đấu tranh ở thuộc địa, làm cho nhân dân ở các dân tộc bị áp bức đều hướng về Lê-nin, tin tưởng và đi theo con đường của Người. Vâng, "Lê-nin là người đầu tiên hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lê-nin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa thì cách mạng xã hội không thể có được...". vì thế, chủ nghĩa Lê-nin "không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi...".

 

Đối với cách mạng Việt Nam, với sự vận dụng một cách đúng đắn và hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng và Bác kính yêu đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những cuộc cách mạng thần kỳ. Đây là điều mà Bác Hồ đã từng khẳng định trong nhiều bài viết của mình, nhất là bài viết đăng trên báo Sự Thật, ra ngày 1-11-1967, nhân hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga: "...Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công". Đặc biệt, vào thời điểm này, thời điểm mà cả nước đang dốc lòng, dốc sức vào công cuộc đổi mới, hòa nhập và phát triển; thời điểm mà chúng ta đã và đang thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng ta rất tự hào về Bác bởi tầm nhìn xa trông rộng của Bác. Năm 1955, Bác đã từng ghi những dòng cảm tưởng của mình trong Sổ Vàng lưu niệm tại điện Kremli, rằng: "Lê-nin, người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt". Rõ ràng, cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ cách mạng là nỗi trăn trở, day dứt lâu dài của Hồ Chủ tịch. Qua đây, chúng ta càng hiểu hơn việc học tập đạo đức cách mạng từ các vị lãnh tụ như Lê-nin, Hồ Chí Minh là quan trọng biết bao!...  

Nguyễn Thị Thọ

V.I Lê-nin (1870-1924)

 

Tin xem nhiều