Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Kỳ 4: Thầy trò cùng làm theo gương Bác

09:12, 17/12/2010

Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cán bộ, giáo viên và học sinh trong ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và tình hình cụ thể để học và làm theo gương Bác một cách hiệu quả.

Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cán bộ, giáo viên và học sinh trong ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và tình hình cụ thể để học và làm theo gương Bác một cách hiệu quả.

 

* Thầy, trò và những câu chuyện về Bác

 

Cô hiệu trưởng Trường mầm non Phước Tân (TP. Biên Hòa) Đỗ Thị Đem cho hay, cô và trò còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt khó. Cô cho biết: "Toàn trường hiện có 12 giáo viên, gần 260 học sinh nhưng lại phải dạy và học  ở 4 điểm trường khác nhau. Các phòng học hầu hết đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn nhưng các cô vẫn cố gắng duy trì các nội dung sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt là kể các câu chuyện về Bác cho các em nghe. Những câu chuyện này phần lớn do các cô tự sưu tầm hoặc học tập, trao đổi từ đồng nghiệp để kể cho các em hoặc lồng ghép cho phù hợp vào các tiết học".

 

Học sinh Trường THPT Nam Hà tham gia cuộc thi kể chuyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Thành ủy Biên Hòa tổ chức.

Cô Đem còn cho biết thêm, cuộc thi viết về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua được giáo viên của trường hưởng ứng nhiệt tình, bởi đó là cơ hội để các cô hiểu hơn về Bác, học Bác, làm theo Bác để sống tốt và giảng dạy tốt hơn. Dù được giải hay không được giải thì đó cũng là cách mà cô và trò ở ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn này nỗ lực và phấn đấu.

 

Hình thức kể chuyện cho các cháu nghe và tập cho các cháu kể chuyện về Bác đã và đang được các trường mầm non áp dụng. Tại các trường mầm non trong tỉnh, những câu chuyện chan chứa tình yêu thương mà Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng đã được cô và trò kể lại, từ đó rút ra được những bài học bổ ích, thiết thực nhất.

 

Ở các trường tiểu học, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, những câu chuyện về Bác được vang lên có tác dụng rõ rệt đối với cả thầy và trò. Thông qua các câu chuyện, các bài học về lòng kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi, bạn bè... được lồng ghép, góp phần vào việc hình thành nhân cách cho học sinh. 

 

Ở bậc THCS, các tiết học ngoài giờ lên lớp với nội dung: Trao đổi thư của Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục; thảo luận chủ đề "Làm thế nào để học tập tốt theo lời Bác dạy"; kể chuyện và thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ... được tổ chức thường xuyên.

 

Ở các trường THPT, cao đẳng và đại học, nhiều môn học được lồng ghép với nội dung "Học tập và làm theo lời Bác". TS. Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho rằng, ít có cuộc vận động nào mà hình thức tổ chức lại phong phú, thiết thực và đạt hiệu quả cao như Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ở Trường đại học Đồng Nai, ngoài cuộc thi kể chuyện, thi viết tìm hiểu về Bác, nhà trường còn tổ chức sinh hoạt dưới cờ cho sinh viên. Các khoa lại chọn hình thức lồng ghép nội dung học Bác vào từng môn học. Các đoàn thể, mà đặc biệt là Đoàn trường, luôn hưởng ứng cuộc vận động bằng các phong trào thi đua học tập tốt, phong trào "Đoàn viên cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên"... Các phong trào này đã tạo nên sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cán bộ, giáo viên và sinh viên" - TS. Thanh nhấn mạnh.

 

* Hiệu quả thiết thực

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng cho biết, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các cơ sở giáo dục hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp và trình độ, năng lực, phong cách sư phạm để quản lý và giảng dạy tốt. Thông qua những câu chuyện kể, các hội thi, đã và đang làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi và đáng mừng nhất là tình trạng vi phạm kỷ luật, đạo đức trong cán bộ, giáo viên và học sinh giảm đi rõ rệt.

 

Tại Trường đại học Đồng Nai, trong nhiều năm qua hầu như không có cán bộ, giáo viên nào vi phạm về đạo đức, lối sống. Cán bộ, giáo viên đều phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, các giáo viên trẻ có tinh thần tự giác đăng ký học tập để nâng cao trình độ. Chính vì vậy mà trường hiện có 3 TS, 8 nghiên cứu sinh, 97 giáo viên là thạc sĩ. TS.Phạm Văn Thanh đúc kết: Không chỉ làm thay đổi nhận thức ở cán bộ, giáo viên và ngay cả trong sinh viên, ý thức phấn đấu, nỗ lực để khẳng định bản thân là rất rõ. "Số học sinh vi phạm kỷ luật, quy chế giảm đi rõ rệt. Thay vào đó, số học sinh có học lực khá, giỏi và tích cực tham gia các hoạt động phong trào tăng lên. Trong 4 năm qua, trong tổng số 160 đảng viên mới được phát triển thì đã có 130 đảng viên là sinh viên. Hiện nguồn phát triển Đảng trong sinh viên khá dồi dào" - TS.Thanh khẳng định.

Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT đã tổ chức "Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên" đầu khóa, đầu năm học để quán triệt về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; quy chế ngành và nội quy của cơ sở giáo dục; các phong trào hoạt động, học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên trong năm học. Cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được đặc biệt nhấn mạnh. 

Trong năm 2010, ngành GD-ĐT đã tổ chức lồng ghép "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vào các môn học trong các trường THCS, THPT. Theo đó, ở bậc THCS, 6 môn học được lồng ghép nội dung này, gồm: ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, âm nhạc và mỹ thuật.

Ở bậc THPT, 4 môn học được lồng ghép, gồm: ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân và hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Nguyễn Phượng

 

Qua cuộc vận động, trong ngành giáo dục - đào tạo Đồng Nai đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Đó là thầy Nguyễn Văn Tứ (Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, huyện Định Quán), luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một giáo viên, nhà quản lý giáo dục. Với cương vị là hiệu phó, thầy Tứ đã chủ động phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm tự làm đồ dùng dạy học bằng những chất liệu dư thừa tại chỗ, vừa góp phần tiết kiệm kinh phí, vừa giúp học trò có dụng cụ để học tập. Hay như cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Trường tiểu học Long Đức, huyện Long Thành), luôn biết sống tiết kiệm cho cơ quan và gia đình; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô là một trong những giáo viên tiên phong của trường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô Oanh đã tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm "Để dạy tốt môn Tập viết cho học sinh lớp 1" phục vụ cho công tác giảng dạy và phổ biến cho các đồng nghiệp học tập. 

 

Đối với thầy Hồ Đắc An (Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) thì việc làm theo Bác phải bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất, như tiết kiệm trong chi tiêu, không xa hoa lãng phí, đi làm đúng giờ, sắp xếp công việc hợp lý... Thầy luôn tận tình giúp đỡ mọi người trong công việc khi có điều kiện. Nhiều năm liền, thầy An được UBND tỉnh và huyện tặng bằng khen. Thầy cũng là một trong những điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của tỉnh.

 

Minh Ngọc

 

 

 

Tin xem nhiều