Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Kỳ 5: Đồng bào dân tộc vượt lên chính mình...

08:12, 19/12/2010

"Trong tâm tưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ là một hình tượng đẹp, không gì so sánh nổi. Đồng bào luôn nguyện một lòng sắt son với Đảng, với Bác, không ngừng phấn đấu để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc" - ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã khẳng định như vậy khi nói về việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh những năm qua.

"Trong tâm tưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ là một hình tượng đẹp, không gì so sánh nổi. Đồng bào luôn nguyện một lòng sắt son với Đảng, với Bác, không ngừng phấn đấu để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc" - ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã khẳng định như vậy khi nói về việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh những năm qua.

 

* Một lòng tôn kính Bác Hồ

 

Trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp quan trọng để giữ vững độc lập, tự do cho dân tộc. Trong đó có những tập thể, cá nhân tiêu biểu như đồng bào dân tộc Mạ, STiêng ở Tân Phú đã ủng hộ, giúp đỡ cho cách mạng về công sức, lương thực thực phẩm, che giấu cán bộ, dẫn đường cho bộ đội đánh địch, làm nên chiến thắng vang dội La Ngà tháng 3-1948; đồng bào Chơ Ro vùng Lý Lịch (Vĩnh Cửu), kiên cường bám trụ để nuôi quân, luôn sát cánh cùng các cơ quan trong kháng chiến vùng chiến khu Đ để đánh giặc tới cùng... Về cá nhân có ông Điểu Xiển (đại biểu Quốc hội khóa I - năm 1946). Trong một lần trên đường ra Hà Nội họp Quốc hội, ông đã bị giặc Pháp bắt. Chúng đã mua chuộc, dùng nhiều cực hình để tra tấn ông dã man, nhưng tất cả đã không làm ông nao núng trước đòn roi của giặc. Ông đã anh dũng hy sinh để giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Noi theo những tấm gương kiên trung của đồng chí mình, anh hùng liệt sĩ Điểu Cải, Xã đội trưởng Bình Hòa (Định Quán) đã hy sinh khi tuổi vừa 18...

Bà Phồn Tài Mối (người Dao, ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã hiến đất xây trường. Hàng ngày bà còn quét dọn vệ sinh trường.

Tất cả công lao và gương anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh mãi mãi là trang sử vẻ vang cho Tổ quốc. Theo ông Nguyễn Đình Biên, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu): "Để vận động được đồng bào đi theo Đảng, làm cách mạng giải phóng đất nước và ngày nay là xây dựng cuộc sống mới, tất cả đều bắt đầu từ mạch nguồn tôn kính Bác Hồ vô hạn".

 

Ông Nguyễn Đình Biên cho biết, trước đây quê hương là rừng rậm; cuộc sống người dân chủ yếu hái lượm và săn bắt thú rừng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, dân làng được gặp những người cán bộ của cách mạng, của Bác Hồ. Họ đến đây tìm sự che chở của núi rừng, sự giúp đỡ đùm bọc của dân làng để xây dựng căn cứ đánh giặc. Ngày nay, sau hơn 35 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đời sống của đồng bào ấp Lý Lịch đã đổi thay cùng với sự đi lên của Tổ quốc. Mỗi hộ dân tộc thiểu số ở ấp Lý Lịch được tỉnh cấp kinh phí xây một ngôi nhà, với diện tích 70m2, cấp 1 hécta đất nông nghiệp; năm 2004 được đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng "Làng dân tộc phát triển bền vững" và được tỉnh xây dựng Nhà dài dân tộc Chơ Ro, giúp cho dân làng có nơi sinh hoạt và lưu giữ các truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 

Từ tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, không chỉ có đồng bào Chơ Ro ở ấp Lý Lịch mà hầu hết các dân tộc thiểu số khác từ người cao tuổi đến thanh niên, cán bộ, đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh đều có ý thức học tập và phấn đấu làm theo lời Bác dạy.

 

* Gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc

 

Già làng Thổ Đực (ấp Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết, bản thân ông là người may mắn hơn bà con trong làng là được học hành, có một số kiến thức văn hóa nhất định. Để sự hiểu biết của mình có ý nghĩa, ông đã tham gia nhiều phong trào ở địa phương, trong đó có dạy xóa mù chữ cho đồng bào. Ông xác định việc làm này rất quan trọng, nếu bà con biết chữ thì sẽ biết làm kinh tế và có hiểu biết. Đồng thời, để giúp bà con biết cách làm ăn, ông đề nghị mở lớp tập huấn khuyến nông, cho nông dân vay vốn. Bản thân ông đã vận động gia đình hiến tặng hơn 4 hécta đất cho 5 hộ dân tộc không có đất sản xuất. Để có được số đất này, gia đình ông cũng từng bỏ nhiều công sức, tiền của mới có, song bây giờ thấy người khác cần hơn mình, ông lại sẵn sàng giúp đỡ.

 

Tấm lòng nhân ái của ông không chỉ dừng lại ở đây. Mặc dù năm nay đã 73 tuổi, sức khỏe giảm, song ông vẫn thường xuyên đi thăm hỏi động viên việc học hành của con em trong ấp. Cháu nào có khả năng học văn hóa tốt, ông giới thiệu tới Trường dân tộc nội trú tỉnh để học; cháu nào có nhu cầu học nghề, ông xin cho vào học các trường dạy nghề... Học hành đã giúp lớp trẻ của ấp trưởng thành hơn trong suy nghĩ và định hướng trong tương lai; xóm làng nhờ vậy yên bình hơn, không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự như trước. Riêng đối với gia đình ông, cả 9 người con đều đã có công ăn việc làm ổn định, trong đó một con là giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 3 con đang công tác tại xã Bàu Trâm, một con là cán bộ y tế xã Tà Lài...

 

Với Nông Thị Thu Hiền, dân tộc Tày, từ bé cô đã có ước mơ được trở thành cán bộ quản giáo đem niềm tin và những gì tốt đẹp nhất giúp người phạm tội hướng thiện, xây dựng một xã hội bình yên cho mọi người. Với ước mơ đó, sau khi học xong phổ thông, Hiền đã nộp đơn thi và trúng tuyển Trường trung học an ninh nhân dân II. Bây giờ Nông Thị Thu Hiền đang công tác tại Công an TP.Biên Hòa với nhiệm vụ của cán bộ quản giáo. Hiền cho biết: "Nhiều người thấy tôi chọn nghề quản giáo đã cho là "khùng". Nhưng tôi nghĩ nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ thuộc về phần ai? Trong công việc tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, phải thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, không ngại khó, ngại khổ. Trong quá trình công tác, nhiều lúc gặp đối tượng rất ngoan cố, lì lợm, côn đồ, tôi và các đồng nghiệp đã vắt óc suy nghĩ để có cách giáo dục thích hợp đối với từng đối tượng". Cứ như vậy, thượng úy Nông Thị Thu Hiền đã đem tình thương và trách nhiệm để cảm hóa nhiều can phạm nhân, nhất là đối với nữ phạm nhân để giúp họ nhận ra cái đúng - sai, thiện - ác, cải tạo tốt, trở thành người lương thiện.

 

"Nhiều người hỏi tôi rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác có khó không? Tôi trả lời rằng không khó, bởi tôi đã học Bác từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Tôi nghĩ mình cứ gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc thì việc vận động người khác làm theo không khó" - già làng Thổ Đực đã nói như thế. Cũng chính từ những việc làm cụ thể trong cuộc sống đời thường, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cũng như đồng bào các tôn giáo đã góp phần trong việc đưa những nội dung của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào cuộc sống.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều