Báo Đồng Nai điện tử
En

65 năm ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6-1-1946*6-1-2011)
Mốc son chói lọi trong lịch sử

10:01, 06/01/2011

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Hồ Chí Minh làm chủ tọa. Trong 6 vấn đề cấp bách được nêu ra, có vấn đề "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu"...

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Hồ Chí Minh làm chủ tọa. Trong 6 vấn đề cấp bách được nêu ra, có vấn đề  "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu"...

 

* Tinh thần yêu nước, khát vọng dân chủ

 

Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ ý nghĩa của cuộc tổng tuyển cử "là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà... hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, công dân số 1, bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu". Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử bất chấp sự phá hoại điên cuồng của kẻ thù. Tính chung cả nước, đã có 89% cử tri tham gia bỏ phiếu bầu ra 333 đại biểu đại diện cho khắp Bắc - Trung - Nam, bao gồm đại diện các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ, trí thức, đại biểu của các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đã dành 70 ghế không qua bầu cử cho Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội - Việt Cách và Việt Nam Quốc dân Đảng - Việt Quốc.

 

* Một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, tự do

 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người phụ nữ được đứng ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ của các nước văn minh, tiến bộ đương thời. Một điểm đặc biệt của cuộc Tổng tuyển cử này là số người ứng cử so với số đại biểu được bầu rất cao. Đơn cử như ở Hà Nội được bầu 6 đại biểu nhưng có tới 74 ứng cử viên; ở Quảng Nam, số đại biểu được bầu là 15 nhưng có tới 78 đại biểu...

Hàng vạn người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5-1-1946.

Nhìn vào danh sách các đại biểu khóa I được bầu, chúng ta không thể không khâm phục sự sáng suốt của người dân khi ấy. Các đại biểu Quốc hội khóa I thật sự là tinh hoa, trí tuệ của dân tộc. Trong danh sách này, không khó để bắt gặp những nhân vật nổi tiếng đương thời cũng như có công lao với đất nước và dân tộc về sau, như: Hồ Chí Minh, Vũ Đình Hòe (Hà Nội); Nguyễn Huy Tưởng (Bắc Ninh); Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Minh Giám (Hà Đông); Nguyễn Đình Thi (Hải Phòng); Trần Huy Liệu (Nam Định); Nguyễn Duy Trinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan (Nghệ An); Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi); Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng (Sài Gòn - Chợ Lớn); Dương Bạch Mai (Bà Rịa); Hoàng Minh Châu, Nguyễn Văn Nghĩa, Điểu Xiển (Biên Hòa)...

 

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 đánh dấu bước phát triển vĩ đại của dân tộc Việt Nam; đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của nước nhà.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều