Xúc động, tin tưởng và gửi gắm nhiều kỳ vọng là điều các đại biểu tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên đã bày tỏ. Buổi họp mặt do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức sáng 4-1 tại hội trường Tỉnh ủy.
Xúc động, tin tưởng và gửi gắm nhiều kỳ vọng là điều các đại biểu tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên đã bày tỏ. Buổi họp mặt do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức sáng 4-1 tại hội trường Tỉnh ủy.
* Nhớ về trường học lớn
Bà Mai Thị Liễu rưng rưng xúc động khi cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa VI có 7 người thì nay chỉ còn có 3. "Nhiều đại biểu thế hệ chúng tôi đã không còn nữa. 35 năm rồi còn gì! Thế nhưng mỗi lần được tham dự những buổi họp mặt, được gặp gỡ những thế hệ đại biểu Quốc hội như thế này, ký ức về những ngày tham gia Quốc hội lại tràn về" - bà Liễu chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Bình, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa VIII, IX nhớ lại: "Ngày ấy đúng là hoạt động của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn, việc góp ý kiến còn hạn chế, nhưng mỗi đại biểu của Đồng Nai vẫn cố gắng tìm tòi để thể hiện chính kiến của mình. Tôi còn nhớ trong kỳ họp của Quốc hội khóa VIII, ý kiến phát biểu của mình đã gây được sự chú ý: Quốc hội phải biểu quyết lại một quyết định đã được thông qua. Từ đó, uy tín của không riêng đại biểu mà cả đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được tăng lên".
Đại biểu Phạm Thị Hải (đang là đại biểu Quốc hội khóa XII) thì tâm sự: "Là đại biểu Quốc hội rồi, được tiếp xúc, giao lưu với các đại biểu khác cũng như qua nghiên cứu tài liệu, giúp mỗi đại biểu nhìn nhận vấn đề phong phú hơn, đầy đủ hơn. Đặc biệt, khi được tham gia bàn thảo nhiều vấn đề lớn của đất nước tại diễn đàn Quốc hội, như mở rộng ranh giới địa chính Hà Nội, dự án nhà máy điện hạt nhân..., đại biểu thấy rõ hơn được trách nhiệm của mình".
Ngay cả đại biểu Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, người đã có thâm niên là đại biểu Quốc hội của đơn vị Đồng Nai 3 khóa, cũng bày tỏ sự xúc động khi tham dự buổi họp mặt: "Tham gia Quốc hội, tôi thấy mình được bước vào một trường học lớn, trưởng thành hơn, cứng cáp hơn. Đặc biệt, khi được là đại biểu của Đồng Nai, tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là cử tri trong tỉnh. Điều này giúp tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
* Đặt nhiều kỳ vọng
Ông Huỳnh Văn Bình cho rằng, đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng có những đóng góp tích cực cho hoạt động của Quốc hội. Điều này thể hiện ở việc các đại biểu đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân địa phương. Ông đề nghị: "Bên cạnh chức năng lập pháp, đại biểu Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát đối với các vấn đề cử tri quan tâm".
Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động lập pháp, giám sát thì việc nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội phải được chú trọng. Cần hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng vừa nâng cao chất lượng đại diện địa phương, vừa chú ý đến yêu cầu đại diện theo ngành, giới, nghề nghiệp. Tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy mạnh mẽ vai trò của đại biểu Quốc hội ở cả trung ương và địa phương, đồng thời củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu giúp việc. |
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Công Ngôn thì cho hay, đại biểu Quốc hội ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của cử tri thông qua việc thường xuyên gửi đến cơ quan chức năng những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc. Kiến nghị của cử tri được giải quyết cũng có nghĩa là trách nhiệm, uy tín của đại biểu được nâng cao. Tuy nhiên, ông Ngôn cũng lưu ý: đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát và hậu giám sát.
Tại buổi họp mặt, không ít ý kiến phát biểu đều đồng tình cho rằng, hoạt động phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đang ngày một tốt hơn. Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Văn Toàn nói rằng, nhiều vấn đề cử tri quan tâm ở địa phương đã được đại biểu Quốc hội lưu ý và cùng với chính quyền từng bước tìm biện pháp tháo gỡ. "Đại biểu Quốc hội đã chịu khó gần dân hơn, chịu lắng nghe hơn và giải quyết vấn đề có trách nhiệm hơn" - ông Toàn nhấn mạnh. Đồng tình với ý kiến này, nhưng ông Đào Văn Minh, Phó bí thư Huyện ủy Long Thành, cho biết thêm: Cần tăng thêm những đại biểu chuyên trách để đại biểu có thời gian gần dân, hiểu hơn tâm tư nguyện vọng của bà con và chuyển tải được ngày càng nhiều hơn các vấn đề mà cử tri quan tâm lên diễn đàn Quốc hội...
Nguyễn Phượng