Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI
Các kỳ đại hội Đảng: Những mốc son lịch sử quan trọng

08:01, 09/01/2011

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đạt những kết quả to lớn: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đạt những kết quả to lớn: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội

 

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

 

Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20-12-1976, tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.008 đại biểu, thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên cả nước và 29 đoàn đại biểu quốc tế.

 

Tổng bí thư Lê Duẩn trao đổi với các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Đại hội đã tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, nêu những bài học kinh nghiệm lớn, đồng thời khẳng định con đường cách mạng của cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua điều lệ mới của Đảng. Đại hội đặt lại chức Tổng bí thư thay chức Bí thư thứ nhất; bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư.

 

* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V: Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân

 

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực. Song, nền kinh tế - xã hội của đất nước sau năm 1975 gặp nhiều khó khăn, thách thức mới.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước và 47 đoàn đại biểu quốc tế.

 

Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của những khó khăn, yếu kém. Đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thể hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm, sai lầm, chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách...

 

Trên cơ sở đó, Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội từ năm 1981 - 1985, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được Ban chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng bí thư.

 

Ngày 10-7-1986, Tổng bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt vào ngày 14-7-1986, bầu đồng chí Trường Chinh giữ chức Tổng bí thư.

P.V

(còn tiếp)

 

 

Tin xem nhiều