Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận về các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng:
Đổi mới theo hướng có lợi cho dân

09:01, 14/01/2011

Sau phiên khai mạc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã dành gần 3 ngày để tập trung thảo luận các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Sau phiên khai mạc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã dành gần 3 ngày để tập trung thảo luận các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

 

Phần lớn ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận đều thống nhất cho rằng, các văn kiện của Đảng được chuẩn bị công phu, chu đáo, trên cơ sở đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế đã và đang cản trở sự phát triển. Vấn đề được rất nhiều các đại biểu quan tâm là làm thế nào để đẩy mạnh kinh tế phát triển toàn diện và nâng cao uy tín trong Đảng để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

 

* Phát triển toàn diện ra sao?

 

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong phần trình bày báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: để trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, Việt Nam phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...

 

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), để giải quyết các mối quan hệ này không hề đơn giản bởi Việt Nam đang đứng trước rất nhiều vấn đề gây bức xúc. Đó là những yếu kém trong quản lý giáo dục, tai nạn giao thông tăng cao, vấn nạn chạy chức, chạy quyền. "Chúng ta cứ hô hào đổi mới nhưng trước hết phải giải quyết được những bức xúc này" - đại biểu Nguyễn Bá Thanh nói.

Phóng viên Báo Đồng Nai (thứ hai từ trái sang) tham gia phỏng vấn đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh (Đoàn Đồng Nai).

Đồng tình với Chiến lược phát triển của đất nước trong 10 năm tới nhưng đại biểu Lê Thanh Cung (Bình Dương) lại đặt vấn đề: cần có chính sách thu hút đầu tư rõ ràng hơn nữa nhằm tăng chất lượng, hiệu quả đầu tư. "Định hướng của Bình Dương trong đầu tư là ưu tiên lĩnh vực dịch vụ, ngành công nghiệp phát triển cao của những tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên, chính sách kêu gọi đầu tư hiện nay vẫn chưa rõ nên địa phương gặp không ít khó khăn trên lĩnh vực này" - đại biểu Lê Thanh Cung cho biết.

 

Cũng theo đại biểu Cung, ngay trong những năm đầu tiên của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu, cần có những chính sách điều chỉnh ưu tiên kịp thời đối với  ngành công nghiệp phụ trợ, giảm những ngành như gia công, giày da. "Những ngành này chúng ta xuất khẩu được  10 tỷ USD nhưng giá nguyên liệu đã lên tới 9,1 tỷ USD rồi. Chất lượng, hiệu quả sản xuất không cao. Nếu không mạnh dạn trong việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp mang lại lợi ích kinh tế cao thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội phát triển của đất nước" - đại biểu Cung nhấn mạnh.

 

Đồng ý với ý kiến này, đại biểu Trần Minh Sanh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng nên cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các dây chuyền sản xuất và mạng lưới phân phối toàn cầu.

 

Ý kiến của nhiều đại biểu khác cũng thống nhất cho rằng, muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển toàn diện thì trước hết, những vấn đề cản trở sự phát triển phải dần dần loại bỏ. Đơn cử như tình trạng mất điện như hiện nay, nếu không giải quyết dứt điểm thì tính hấp dẫn đầu tư của Việt Nam sẽ không còn.

 

* Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh

 

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương thẳng thắn nhìn nhận: tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, vấn nạn về tham ô, lãng phí; vi phạm về lối sống, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chính là nguyên nhân làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đại biểu Huỳnh Văn Tới (Đoàn Đồng Nai): Đẩy mạnh phát triển Đảng ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh

 

Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều tại đại hội chính là công tác xây dựng Đảng. Tôi cho rằng trong Đảng phải có đầy đủ các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Là một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung rất đông các doanh nghiệp, Đồng Nai xác định công tác phát triển Đảng và xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất quan trọng. Cần tăng cường công tác giám sát ở khu vực này để Đảng ngày càng phát triển lớn mạnh hơn nữa.

 

Đại biểu Nguyễn Thành Trí (Đồng Nai) đề nghị: cần đưa văn hóa Đảng vào trong nội dung của báo cáo chính trị Đại hội XI. "Văn hóa Đảng thể hiện ở ngay những việc nhỏ như lề lối, tác phong làm việc, đạo đức, phẩm chất chính trị của đảng viên. Cải cách hành chính trong Đảng, đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt của Đảng cũng là những vấn đề quyết định sự sống còn của Đảng" - đại biểu Trí nói

 

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn các cơ quan Trung ương) lại cho rằng nên cho phép thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam thì Đảng phải kết nạp những người tiên phong nhất của mọi giai tầng xã hội" - đại biểu Thuận nhấn mạnh.   

 

Đại biểu Phạm Phương Thảo (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: cần phải đổi mới công tác tổ chức bộ máy, nhất là về mặt thể chế, về tổ chức bộ máy cán bộ, trong đó bao gồm việc rà soát chức năng nhiệm vụ theo hướng cái gì dân làm được thì giao cho dân làm, cái gì cấp dưới làm được thì giao cho cấp dưới làm. Cấp trung ương, cấp bộ thì cần quan tâm đến vấn đề về chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn. Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị: "Cần phát huy dân chủ trong Đảng nhiều hơn bằng việc tạo điều kiện triển khai chất vấn trong Đảng".

 

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chính là việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo đó, cần tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới các quy định một cách đồng bộ; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của Đảng với các cơ quan nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; đổi mới cách ra Nghị quyết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. Nói như đại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) thì: chỉ khi công tác chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm thì lòng tin của dân vào Đảng mới vững bền.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Liên (Đoàn Đồng Nai) cho rằng để phát triển toàn diện và bền vững, trước hết người dân phải được hưởng lợi. "Đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân phải được quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa tính dân chủ trong mọi hoạt động để người dân  được hưởng quyền lợi chính đáng của mình" - đại biểu Kim Liên nhấn mạnh.

Nguyễn Phượng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều