Báo Đồng Nai điện tử
En

HĐND huyện Trảng Bom: Một nhiệm kỳ đáng nhớ

10:04, 18/04/2011

Trong khóa 1 (nhiệm kỳ 2004-2011), HĐND huyện Trảng Bom đã thể hiện rõ vai trò vừa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương, vừa đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân... quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện...

Trong khóa 1 (nhiệm kỳ 2004-2011), HĐND huyện Trảng Bom đã thể hiện rõ vai trò vừa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương, vừa đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân... quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện...

 

* Chất lượng hoạt động được nâng cao

 

Tại mỗi kỳ họp, HĐND huyện đều tăng thời lượng cho thảo luận và chất vấn; chủ tọa kỳ họp nêu những gợi ý, định hướng thảo luận tập trung vào vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, hoặc những vấn đề mà cử tri đang quan tâm. Việc chuẩn bị  chu đáo nội dung, cũng như điều hành các kỳ họp bảo đảm vừa đúng luật, vừa công khai, dân chủ, đã phát huy được trí tuệ tập thể trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND đã chủ động phối hợp với UBND huyện phân công, đôn đốc các đơn vị liên quan chuẩn bị báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định để các ban của HĐND thẩm tra và gửi kịp thời cho các đại biểu HĐND nghiên cứu trước khi dự họp.

Một buổi giám sát của HĐND huyện Trảng Bom. Ảnh: T.TÂM

Chính nhờ vậy, trong suốt nhiệm kỳ qua, HĐND huyện đã tổ chức thành công 17 kỳ họp, ban  hành 113 nghị quyết. Trong đó có nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân như: Nghị quyết thực hiện các đề án xã hội hóa giáo dục; các mục tiêu, giải pháp phát triển KT-XH-QPAN hàng năm; Nghị quyết về kế hoạch vốn và danh mục công trình xây dựng đầu tư cơ bản... Riêng Nghị quyết số 63 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hóa xã - thị trấn đã và đang tạo bước chuyển rõ nét. Hiện nay, phần lớn cán bộ quản lý các trung tâm đều có trình độ chuyên môn văn hóa - thể thao từ trung cấp trở lên và bình quân mỗi năm, các trung tâm đã mở hàng chục buổi tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng duy trì hoạt động thường xuyên các CLB, luyện tập thể thao. Nhiều xã có nhà văn hóa rộng rãi, khang trang, có hội trường, phòng truyền thống, thư viện... Còn Nghị quyết 107 về đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - TDĐKXDĐSVH" ở khu dân cư đã góp phần làm cho diện mạo của đời sống xã hội thay đổi theo hướng tích cực. Nếu như năm 2001, toàn huyện chỉ có gần 85% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thì đến nay con số này đã tăng lên gần 100%; số hộ đạt danh hiệu này cũng tăng dần qua các năm: từ 63,4% năm 2001 lên hơn 93% năm 2010, trong đó có 73%  số hộ đạt GĐVH 3 năm liền.

 

* Các hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri ngày càng đi vào chiều sâu...

 

Hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban HĐND trong nhiệm kỳ qua cũng đã được từng bước đổi mới phương thức, kết hợp tốt việc giám sát tại kỳ họp với các hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát theo chuyên đề... HĐND huyện đã tổ chức được 134 cuộc giám sát, khảo sát với 988 kiến nghị trên các lĩnh vực KTXH, QPAN và thực thi pháp luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri được coi trọng, thông qua đó, các đại biểu HĐND đã thu thập, phản ảnh trung thực 1.240 ý kiến - kiến nghị của cử tri để HĐND nghiên cứu, xem xét giải quyết theo đúng chức năng và thẩm quyền hoặc chuyển cho UBND cùng cấp giải quyết. Anh Lê Văn Anh, một người dân ngụ tại xã Bàu Hàm chia sẻ: "Tại hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân chúng tôi có thể phản ảnh những bức xúc của mình và tất cả đều được trả lời thấu đáo". Còn ông Nguyễn Khắc Bình, cư ngụ tại KP5, thị trấn Trảng Bom thì cho biết: "Đại biểu HĐND đã nắm bắt và giải trình kịp thời những ý kiến của người dân. Qua theo dõi, tôi thấy những nghị quyết do HĐND ban hành đều sát với thực tế và hợp lòng dân".

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hào, Ủy viên Ban TVHU, Phó chủ tịch HĐND huyện, thì thực tế hiện nay do các Ban của HĐND huyện đều là kiêm nhiệm, nên hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác giám sát, khảo sát chưa thường xuyên, chất lượng của một số buổi tiếp xúc cử tri chưa cao... Do đó, cũng theo ông Hào, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và đổi mới chức năng giám sát và tiếp xúc cử tri, vấn đề cần thiết hiện nay là trưởng hoặc phó các ban HĐND phải là đại biểu chuyên trách...

 

Tại kỳ họp tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011 của HĐND huyện Trảng Bom, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: "Trong nhiệm kỳ qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực KTXH, ANQP đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND huyện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng bình quân 5 năm (2006-2010) là 22,9%; cao hơn mức tăng bình quân 5 năm (2001-2005) là 20,24%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (từ 62,9% năm 2005 lên 70,12% năm 2010), thương mại - dịch vụ (từ 19% năm 2005 lên 21,46% hiện nay). Chất lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng đạt kết quả tốt; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo đối tượng chính sách, văn hóa - thể thao chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; an ninh quốc phòng trên địa bàn được giữ vững, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động".

Võ Thanh Tâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều