Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động thi đua của tỉnh: Ngày càng lan tỏa sâu rộng

08:04, 26/04/2011

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng trong năm 2010 Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đạt được kết quả trên, có phần đóng góp không nhỏ từ các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng trong năm 2010 Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đạt được kết quả trên, có phần đóng góp không nhỏ từ các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

 

* Cụm thi đua: liên kết, gắn bó hơn

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh cho biết, đến nay hoạt động cụm thi đua cấp tỉnh đã bước vào năm thứ tư, nhưng chỉ đến năm vừa qua mới thật sự định hình được những ưu thế của hoạt động này. Từ đầu năm 2010, UBND tỉnh đã phân bố ra 20 cụm thi đua với 192 đơn vị tham gia, trong đó mỗi cụm thi đua tập hợp những đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc và điều kiện hoạt động giống nhau hoặc tương tự nhau. Trên cơ sở đó, mỗi cụm sẽ xây dựng tiêu chí, quy chế để phát động thi đua và thang điểm bình xét phù hợp với đặc thù của từng cụm.

 

Lãnh đạo tỉnh khen thưởng các điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước lần IV (tháng 9-2010).Ảnh: CÔNG NGHĨA

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, Cụm trưởng cụm thi đua 15 cho biết, chính việc xây dựng tiêu chí thi đua sát với thực tế như trên đã bao quát được các lĩnh vực của những thành viên tham gia, thuận lợi cho việc bình xét, tôn vinh các đơn vị có phong trào thi đua hiệu quả, nổi bật. Bên cạnh đó, việc tổ chức cụm thi đua còn có lợi thế thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá giữa các đơn vị trong cụm sẽ phát hiện được những yếu kém, bất cập của các đơn vị thành viên, từ đó trao đổi rút kinh nghiệm hoặc có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. "Có đơn vị lâu nay không thấy thành tích gì, cứ ngỡ là do hoạt động yếu. Nhờ sinh hoạt cụm, mới phát hiện ra đơn vị này thực hiện phong trào thi đua rất tốt, nhưng do chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác thi đua cụ thể nên vô tình làm ảnh hưởng đến thành tích chung của cả đơn vị" - ông Mùi dẫn giải.

 

Cô Lê Thị Hằng, Phó phòng hành chính Trường đại học Lạc Hồng - đơn vị thuộc Cụm thi đua 17 thì cho rằng, hoạt động thi đua theo cụm đã giúp các đơn vị trong cụm liên kết, gắn bó hơn, có dịp giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Việc ký kết giao ước thi đua, bình xét chọn đơn vị xuất sắc đã khiến mỗi thành viên trong cụm phải có những giải pháp tích cực để đẩy mạnh phong trào của đơn vị mình, nhờ vậy không khí thi đua càng thêm sôi nổi.

 

*  Tôn vinh kịp thời, xứng đáng

 

Năm 2010 còn là năm công tác thi đua có nhiều khởi sắc thông qua các hoạt động khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu. Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm qua đã có 227 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước xét tặng huân chương, huy chương các loại; 17 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra, 3.252 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng thường xuyên. Riêng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất đều được tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Như đội tuyển Robocon Trường đại học Lạc Hồng đoạt chức vô địch toàn quốc cuộc thi Robocon toàn quốc và giải á quân cuộc thi Rococon châu Á - Thái Bình Dương tại Ai Cập; đội tuyển U21 Đồng Nai đoạt chức vô địch Giải bóng đá U21 toàn quốc; nhóm phóng viên thời sự Đài PTTH Đồng Nai đoạt giải A Giải báo chí quốc gia; Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc... đều được tôn vinh trang trọng tại Văn miếu Trấn Biên và khen thưởng xứng đáng.

 

Những hoạt động trên đã thực sự khích lệ, là động lực để phong trào thi đua ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. "Năm qua, với sự tham mưu của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã xây dựng quy chế khen thưởng rõ ràng, cụ thể với mức khen thưởng phù hợp, bớt mang tính "tượng trưng" như trước kia nên đã góp phần thúc đẩy, động viên mọi tầng lớn nhân dân hăng hái thi đua lập thành tích. Bất cứ đơn vị, cá nhân nào có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà đều được ghi nhận, tôn vinh" - ông Dũng nhấn mạnh.

 

* Đẩy mạnh phong trào thi đua ở các địa phương

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua năm 2011, đó là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, thời gian qua công tác thi đua đã dần được xây dựng nề nếp, hiệu quả ở các cơ quan đơn vị, khối Đảng, mặt trận đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp... nhưng ở một số khu vực, nhất là các vùng nông thôn phong trào thi đua vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế, cần đẩy mạnh phong trào thi đua ở các địa phương này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

 

Với nhiệm vụ này, công tác thi đua ở địa bàn nông thôn không chỉ là tìm tòi để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, triển khai hoạt động khuyến nông khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng thu nhập của người dân, mà còn phải chú trọng từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, chất lượng môi trường sống của cư dân nông thôn. "Cũng như các khu vực khác, giải pháp thúc đẩy phong trào là chú trọng khuyến khích, khen thưởng những nông dân sản xuất giỏi, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thi đua cấp huyện, xã. Hiện mỗi huyện đều có 1 biên chế phụ trách về thi đua, nhưng ở hầu hết các xã đều thiếu và yếu, nên sắp tới củng cố hệ thống thi đua bằng các biện pháp như đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức hội thi nâng cao trình độ tay nghề..." - ông Dũng cho biết.

 

Một số kết quả đạt được từ phong trào thi đua năm 2010:

- Từ phong trào lao động giỏi, đã có 2.150 công trình, sản phẩm ra đời với tổng giá trị khoảng 10 ngàn tỷ đồng, làm lợi 110 tỷ đồng.

- Phong trào lao động sáng tạo có 2.500 đề tài, sáng kiến, mẫu mã mới, làm lợi trên 25 tỷ đồng.

- 79.935 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, hỗ trợ cho 4.819 hộ nghèo làm ăn vươn lên thoát nghèo.

- 1.536 công trình thanh niên trị giá hơn 5 tỷ đồng.

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 91,66%, tăng 10%. 39 học sinh lớp 12 đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, cao nhất trong 5 năm gần đây.

 

 

Hà Lam

 

 

 

Tin xem nhiều