Ngày 22-5, cùng với cả nước, cử tri tại Đồng Nai thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp. Cận kề ngày hội của toàn dân, phóng viên và cộng tác viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận không khí chuẩn bị và chờ đợi của các cử tri ở một số địa bàn đặc thù trong tỉnh.
Ngày 22-5, cùng với cả nước, cử tri tại Đồng Nai thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp. Cận kề ngày hội của toàn dân, phóng viên và cộng tác viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận không khí chuẩn bị và chờ đợi của các cử tri ở một số địa bàn đặc thù trong tỉnh.
* Đồng bào dân tộc Chơro ở khu định canh, định cư (Ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành): Chọn người xứng đáng
Những ngày qua, đồng bào dân tộc Chơro tại khu định canh, định cư ở ấp 6 (xã Phước Bình, huyện Long Thành) đã được cán bộ ấp và xã tuyên truyền khá chi tiết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn người có đủ đức, đủ tài trong số các ứng cử viên này được đồng bào cân nhắc kỹ.
Trong đó, ngày mai 22-5, lần đầu tiên chị Dương Thị Kim Ngân (18 tuổi) được theo những người già trong khu định canh, định cư Chơro thực hiện quyền công dân của mình khi đi tham gia bỏ phiếu bầu cử. Chị Kim Ngân bày tỏ: "Tôi sẽ bầu những người ưu tú và gắn bó với vùng đất Đồng Nai. Tôi tin rằng người mà mình lựa chọn sẽ đem hết tâm huyết, trí tuệ để làm những gì cử tri kỳ vọng, quan tâm, gửi gắm".
Còn ông Dương Văn Tâm (67 tuổi) thì cho biết: "Qua nghiên cứu danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được niêm yết tại Nhà văn hóa cộng đồng, tôi thấy ai cũng xứng đáng. Dĩ nhiên, tôi sẽ chọn người nào hiểu đồng bào, quan tâm sâu sắc đến đồng bào các dân tộc thiểu số...".
Ông Dương Văn Đài, một cử tri trong ấp, bày tỏ: "Ai cũng là người của Đảng, của chính phủ, của địa phương mình. Bởi vậy, lựa chọn ai là điều tôi luôn trăn trở trước khi bỏ phiếu. Mỗi cử tri phải thể hiện trách nhiệm của mình qua việc này".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ấp 6 cho biết, cả ấp có 1.637 cử tri. Trong đó, làng dân tộc Chơro tại khu định canh, định cư có 312 cử tri. "Với đồng bào dân tộc Chơro một lòng sắc son theo Đảng, theo Bác Hồ, thì ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được bà con đón nhận và chờ đợi...".
* Cử tri Đắk Lua (huyện Tân Phú): Nhộn nhịp không khí chuẩn bị
Là địa phương xa nhất của huyện Tân Phú và của tỉnh, nhưng nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên bà con cử tri xã Đắk Lua đã hiểu khá đầy đủ về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Bà con cử tri phấn khởi đón chờ ngày cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Những ngày này, có mặt ở vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tân Phú, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của bà con xã Đắk Lua đón chờ ngày bầu cử. Một xã có trên 1.200 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng không khí chuẩn bị ngày bầu cử nhộn nhịp không kém ngoài thị trấn. Khắp các tuyến đường, ngõ hẻm trong xã đều được trang trí khẩu hiệu, cờ phướn tuyên truyền về ngày bầu cử. Ở trước nhà mỗi hộ dân đều được treo cờ Tổ quốc trang nghiêm và rực rỡ. Đặc biệt, tại đầu các cổng ấp, những tấm bảng cỡ lớn được thiết kế công phu, cùng hàng chữ cổ động gây được nhiều ấn tượng đối với mọi người...
Trong lần bầu cử này có một điều đặc biệt hơn đối với địa bàn Đắk Lua là lần đầu tiên hơn 450 cử tri ấp 10 (trước đây thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chính thức bỏ phiếu bầu cử trên địa phận xã Đắk Lua. Bà Nguyễn Ngọc Dung, người dân ở đây cho biết: "Những năm trước đây mình sống trên đất của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nhưng hộ khẩu lại ở Đồng Nai nên khó khăn nhiều thứ. Nay chính thức là người của Đồng Nai, tham gia bỏ phiếu bầu cử ở địa phương xã Đắk Lua, nên tôi và mọi người rất vui và tự tin đặt kỳ vọng vào đại biểu mình bầu".
Theo ông Đào Huy Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Đắk Lua, trong kỳ bầu cử lần này, xã có trên 4.300 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 9 khu vực bầu cử trên địa bàn. Tuy là xã xa nhất huyện nhưng mọi công việc cho bầu cử được xã làm rất chu đáo, đầy đủ, đúng theo các bước. Ngay cái khó nhất của Đắk Lua là công nghệ thông tin, đường truyền internet nhưng cũng đã được xã khắc phục bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống máy tính hoạt động ổn định, sử dụng mạng internet từ bên huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).
* Đồng bào công giáo ở khu phố II (phường Xuân Bình, TX. Long Khánh): Sẵn sàng cho ngày bầu cử
Cũng như cử tri các xã, phường trên địa bàn Long Khánh, những ngày này bà con giáo dân trong khu phố 2, phường Xuân Bình chuẩn bị chờ đến ngày bầu cử, để trực tiếp bầu những đại biểu ưu tú nhất.
Khu phố 2 có trên 500 hộ đồng bào công giáo sinh sống, chiếm hơn 85% dân số. Chị Lê Thị Cương, một giáo dân ở đây, cho biết: "Qua các cuộc họp và qua tìm hiểu, tôi cân nhắc kỹ để bầu chọn những người xứng đáng. Tôi chỉ mong những người trúng cử sẽ làm hết mình để thực hiện đúng những gì đã hứa".
Bên cạnh công tác tuyên truyền được Ủy ban bầu cử phường tập trung thực hiện trong thời gian qua thì vai trò của giáo xứ chánh tòa Long Khánh trong vận động giáo dân ở địa bàn khu phố 2 thực hiện quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử lần này được thể hiện tốt. Cụ thể là giáo xứ luôn nhắc nhở bà con giáo dân đi bầu cử đông đủ, đúng giờ; có tờ tin thông báo về công tác bầu cử. Trong các buổi sinh hoạt trong giáo xứ cũng có nội dung nói về công tác bầu cử để từng gia đình giáo dân nắm rõ về cuộc bầu cử sắp tới.
Là người đứng đầu giáo xứ chánh tòa Long Khánh, linh mục Ngô Công Sứ cũng như giáo dân mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử sẽ đem hết tâm huyết, tài năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Linh mục Ngô Công Sứ nói: "Chúng tôi tin rằng, khi các vị được bầu thì sẽ làm việc hết sức nhiệt tình vì lợi ích chung của đất nước và vì niềm tin của cử tri".
Trường đại học Nguyễn Huệ: Tạo điều kiện để 100% cử tri tham gia bầu cử Với số lượng khoảng 6 ngàn cử tri, Trường đại học Nguyễn Huệ (trước đây là Trường sĩ quan lục quân 2) được thành lập 1 khu vực bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong thời qua, nhà trường phối hợp với chính quyền và Công an xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) tăng cường các đội tuần tra, kiểm soát quân sự trên địa bàn đóng quân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử luôn được nhà trường quan tâm. Đối với những cử tri là thân nhân của cán bộ, nhân viên nhà trường, hiện cư trú trên địa bàn thì trường tiến hành bàn giao cho xã Tam Phước để họ được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Danh sách và lý lịch trích ngang của những người tham gia ứng cử được nhà trường phổ biến rộng rãi để cử tri có điều kiện chọn lựa những người đủ đức, đủ tài đại diện cho quyền lợi của mình. Hệ thống panô, áp phích, khẩu hiệu được triển khai, cùng với đó công tác tuyên truyền qua đài truyền thanh nội bộ được phát huy có hiệu quả, kịp thời thông tin đến mọi cán bộ, nhân viên, học viên nhà trường cũng như bà con nhân dân trên địa bàn. Cử tri Trần Bửu Thiện, học viên của trường chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được bỏ phiều tham gia bầu cử. Tôi rất hồi hộp, phấn khởi chờ đợi ngày bầu cử để được thực hiện quyền của một công dân". Ngoài những hoạt động tuyên tuyền như trên, nhà trường còn tổ chức các buổi giáo dục chính trị cho cán bộ, nhân viên, học viên trong toàn trường nhận thức đúng đắn về sự kiện, để từ đó các cử tri có sự lựa chọn những đại biểu tiêu biểu về đạo đức, tài năng vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Trung tá Bùi Đình Thành, Trưởng ban Tuyên huấn của trường, khẳng định: "Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo 100% cử tri được tham gia bầu cử trong ngày 22-5" .
Đ.Phú - H.Văn - M.Huệ - Q.Tuấn