Đồng Nai đang có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế và tạo ra tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, thời điểm này, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa cao.
Đồng Nai đang có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế và tạo ra tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, thời điểm này, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa cao.
Các doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ số để áp dụng vào quản trị sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Văn Gia |
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Không nằm ngoài xu hướng chung, nhiều DN đã bắt đầu có sự thay đổi tư duy, chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các DN trong lĩnh vực này.
* Tiềm năng lớn nhưng mức độ số hóa đang thấp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.142 DN công nghệ số (theo số liệu thống kê của Bộ TT-TT). Tỷ lệ DN công nghệ số/dân số của tỉnh đang ở mức rất thấp (0,359/1 ngàn dân so với 0,5/1 ngàn dân của cả nước). Bên cạnh đó, theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố thì DTI Đồng Nai đang đứng hạng 20/63. Trong đó, kinh tế số đứng hạng thứ 29, giá trị trụ cột kinh tế số ở mức trung bình.
Để nâng cao chỉ số DTI trên địa bàn, tỉnh tập trung từng bước phát triển 4 loại DN công nghệ số. Cụ thể, đầu tiên là các DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư công nghệ lõi. Thứ 2, nhóm DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, tiên phong trong nghiên cứu, phát triển công nghệ số và chủ động trong sản xuất. Thứ 3 là nhóm DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mới và cuối cùng là nhóm DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Là chuyên gia lâu năm trong hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Phí Anh Tuấn cho rằng, Đồng Nai là một trong những địa phương có cộng đồng DN lớn và đang tiếp tục gia tăng. Đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề quan trọng là phải làm sao để DN nhận thức được xu hướng phát triển, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy.
“Thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và nhân viên trong DN, làm từ những việc nhỏ và lượng hóa những chỉ tiêu mà mô hình kinh doanh số mang lại. Trên cơ sở đó, tư duy về đổi mới sáng tạo trong tổ chức sẽ hình thành. Khi ấy, tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng lớn hơn” - ông Phí Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
* Thúc đẩy phát triển DN công nghệ số
Để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, Đồng Nai đặt mục tiêu có tên trong nhóm 10 hạng đầu về chuyển đổi số trong cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các bước trong chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các DN. Các sở, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính để đơn giản, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, DN.
Ngày 10-6, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, hỗ trợ DN công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của DN công nghệ số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, Đồng Nai có ít nhất 5 DN công nghệ số thành lập mới, 10 DN chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực. Đến năm 2030, có ít nhất 8 DN công nghệ số thành lập mới và 350 DN chuyển đổi sang công nghệ số. Trong đó, có nhiều DN sản xuất sản phẩm công nghệ số thương hiệu Việt, sản xuất công nghệ lõi, chủ lực.
Theo Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu, các DN cần nâng cấp chuyển đổi hệ thống sản xuất, kinh doanh hiện tại để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh và hiệu quả hơn. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh các chính sách ưu tiên ngành, lĩnh vực thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ; đầu tư, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
Theo Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh, hiện nay tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Để có thể tiếp tục giữ được đà tăng trưởng bền vững trong những năm tới cũng cần phải thay đổi phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhất là công tác thu hút đầu tư, phát triển DN theo hướng công nghệ cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |
Văn Gia