Với sự phát triển của các loại hình dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử…, việc thanh toán các loại hình dịch vụ thông qua các kênh trực tuyến, quét mã QR trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Với sự phát triển của các loại hình dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử…, việc thanh toán các loại hình dịch vụ thông qua các kênh trực tuyến, quét mã QR trở nên dễ dàng, thuận tiện. Xu hướng người dân thanh toán hóa đơn hay mua sắm, trả tiền các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà trên tay chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến.
Khách hàng được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt ứng dụng CSKH EVN SPC trong đó có tích hợp nhiều tính năng về tra cứu chỉ số điện, thanh toán tiền điện trực tuyến… tại Điện lực Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà |
Điều này giúp người dùng thanh toán nhanh chóng, nhiều tiện ích và lưu trữ được lịch sử thanh toán…, góp phần thúc đẩy các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
* Kết nối nhiều kênh thanh toán
Trong thời gian qua, nhằm tăng cường thanh toán điện tử, giảm số lượng khách hàng sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng, đơn vị thu hộ trong công tác truyền thông về thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hướng dẫn khách hàng sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến, áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi để khuyến khích khách hàng sử dụng các kênh thanh toán số.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Trương Đình Quốc cho biết, đối với hoạt động số hóa trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, công ty đã cung cấp 100% các dịch vụ điện trực tuyến trên nhiều nền tảng như: ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị thông minh, trên website của ngành điện hoặc thông qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, đến nay, công ty đã hoàn tất lộ trình xóa thu tại nhà với tất cả khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, các khách hàng đã thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian.
Đối với các dịch vụ về bưu chính - chuyển phát, thời gian qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) nói chung và Bưu điện Đồng Nai nói riêng đã triển khai nhiều kênh thanh toán, hỗ trợ các dịch vụ số.
Theo Phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai Dương Thị Việt Hương, đơn vị đã cùng với hệ thống của VNPost tích hợp cổng thanh toán PostPay kết nối 3 bên người mua, hệ thống ngân hàng và người bán hàng. Đây là nơi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho các giao dịch mua bán trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau (website, mạng xã hội, ứng dụng app…). Cổng thanh toán này ngày càng được người tiêu dùng, DN kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số quan tâm.
Mới đây nhất, vào cuối năm 2022, Bưu điện Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng như Vietcombank Đồng Nai, MB Bank Đồng Nai… về các tiện ích, ứng dụng số, thúc đẩy thanh toán trực tuyến, đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế số.
* Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu thế hiện đại, không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ sự nhanh chóng, an toàn, tiện lợi mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của toàn quốc gia.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Đồng Nai (Donatours) Huỳnh Quốc Bảo chia sẻ, đối với hoạt động chuyển đổi số, công ty đang triển khai các phần mềm về bán hàng, kế toán, đặt hàng có sự kết nối với nhau để tiết kiệm các chi phí vận hành, thúc đẩy các loại hình dịch vụ số. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR. Các hình thức thanh toán này ngày càng được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn, đặc biệt là đối với các dịch vụ về nhà hàng, đặt tiệc, kinh doanh ăn uống…
Đối với những hộ gia đình, khách hàng sử dụng các dịch vụ điện, nước, internet... thì việc toán qua các kênh điện tử, online giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Bà Nguyễn Thị Thu (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, từ giai đoạn dịch Covid-19, bà được con gái hướng dẫn đóng các loại phí điện, nước, internet, cáp truyền hình... qua ứng dụng thanh toán của ngân hàng, ví điện tử. Kể từ đó đến nay, bà quen dần với các loại hình thanh toán trực tuyến. Do có nhiều phương thức khác nhau nên bà được tự do lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp nhất với điều kiện, thời gian của mình.
Theo các DN kinh doanh dịch vụ, trong công tác vận động khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực nông thôn, chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gặp không ít khó khăn do nhóm khách hàng này chưa quen với việc sử dụng công nghệ trong việc thanh toán. Vì thế, các đơn vị đã tăng cường truyền thông, hướng dẫn, kết nối với các tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương để hỗ trợ người dân tiếp cận, làm quen với các kênh thanh toán trực tuyến.
Hải Quân