Báo Đồng Nai điện tử
En

LOẠT BÀI: Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo: Trên đường băng cất cánh:
Kỳ 4: Để cải thiện chỉ số chuyển đổi số của tỉnh

Hoàng Hải
20:16, 23/10/2023

Theo kết quả về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố vào tháng 7 vừa qua, Đồng Nai có chỉ số DTI xếp hạng thứ 43 trên cả nước, tụt 24 bậc so với năm 2021. Để cải thiện nâng cao kết quả chỉ số đánh giá DTI của tỉnh, địa phương cần xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo một cách kịp thời, đồng bộ.

Đồ họa thể hiện xếp hạng các nhóm chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Đồng Nai so với các tỉnh, thành trên cả nước theo kết quả chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố vào tháng 7-2023. Nguồn: Sở TT-TT - Đồ họa: Hoàng Hải
Đồ họa thể hiện xếp hạng các nhóm chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Đồng Nai so với các tỉnh, thành trên cả nước theo kết quả chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố vào tháng 7-2023. Nguồn: Sở TT-TT - Đồ họa: Hoàng Hải

* Nhiều chỉ tiêu cần sớm cải thiện

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH chia sẻ, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cần ra soát, điều chỉnh, thay đổi bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số trên địa bàn phù hợp, sát sườn với các nhóm nội dung và chỉ tiêu theo mẫu của Bộ TT-TT. Song song đó, Sở TT-TT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu đồng bộ, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu vận hành của chuyển đổi số…

Kết quả chỉ số DTI cấp tỉnh năm 2022 cho thấy nhiều chỉ tiêu, chỉ số thành phần của Đồng Nai bị tụt hạng khá sâu so với năm trước đó. Theo báo cáo của Sở TT-TT, các chỉ số về 3 trụ cột chính về chuyển đổi số gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh đều bị tụt hạng so với năm 2021. Trong đó, chỉ số về chính quyền số của Đồng Nai xếp hạng thứ 45 trên cả nước, giảm 22 bậc. Chỉ số kinh tế số xếp thứ 35, giảm 21 bậc. Chỉ số xã hội số xếp thứ 32, giảm 7 bậc.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết 05) ngày 28-3-2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, trên thực tế, mặc dù kết quả thực hiện các nhóm chỉ tiêu của tỉnh đã cải thiện so với năm trước đó, tuy nhiên còn chậm so với các tỉnh, thành phố khác.

Kết quả các nhóm chỉ số thành phần cho thấy chỉ số DTI tỉnh Đồng Nai mặc dù đạt trên 50% nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình 63 tỉnh, thành. Trong đó, 2/8 nhóm chỉ số đạt dưới 50% gồm: chỉ số hoạt động chính quyền số và chỉ số hoạt động xã hội số. Có 4/8 nhóm chỉ số thành phần đạt dưới trung bình các tỉnh gồm: chỉ số thể chế số, nhân lực số, hoạt động chính quyền số và hoạt động kinh tế số.

Việc triển khai tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, việc quán triệt, triển khai và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 05 có một số nội dung còn chậm. Nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh mỏng, chưa đảm bảo trong việc triển khai chuyển đổi số, thành phố thông minh.

Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã do đa số người dân chưa có thói quen hoặc gặp khó khăn trong việc sử dụng máy tính/điện thoại thông minh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người dân vẫn muốn đến trực tiếp để thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND cấp xã vì ở gần nhà...

* Cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể

Theo các chuyên gia, để cải thiện, nâng cao các chỉ số về chuyển đổi số, địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp một cách cụ thể, đồng bộ với lộ trình phù hợp; cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương để chủ trì thực hiện hiệu quả, cải thiện các chỉ số chính, chỉ số thành phần về chuyển đổi số.

Người dân quét mã QR để đánh giá mức độ hài lòng chất lượng dịch vụ hành chính công tại UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) thông qua khảo sát trên ứng dụng Zalo. Ảnh: Hoàng Hải
Người dân quét mã QR để đánh giá mức độ hài lòng chất lượng dịch vụ hành chính công tại UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) thông qua khảo sát trên ứng dụng Zalo. Ảnh: Hoàng Hải

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT-TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường chia sẻ, các vấn đề liên quan đến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ liệu, hạ tầng số là rất quan trọng và cấp thiết. Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiệu quả; đề xuất phương án, kế hoạch triển khai các dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu một cách phù hợp.

Trong đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh mời các chuyên gia, đặc biệt làm mời lãnh đạo Bộ TT-TT phụ trách công tác chuyển đổi số về làm việc tại Đồng Nai với các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số và cải thiện chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Tại các cuộc họp về chuyển đổi số, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh cần kịp thời rà soát, đánh giá, đề xuất xây dựng phương án để cải thiện, nâng cao các chỉ số liên quan, nhất là các tiêu chí liên quan đến nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt để cải thiện các tiêu chí về chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm về chuyển đổi số phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích