Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phát triển kinh tế

Hải Quân
08:14, 18/12/2023

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có Đồng Nai. Việc ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực…

Gian giới thiệu các nền tảng số, hỗ trợ người dân thực hiện định danh điện tử của Công an tỉnh tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai
năm 2023. Ảnh: H.Quân
Gian giới thiệu các nền tảng số, hỗ trợ người dân thực hiện định danh điện tử của Công an tỉnh tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Quân

Hiện nay, tại Đồng Nai, cơ sở dữ liệu của nhiều ngành, lĩnh vực đã và đang được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

* Đẩy nhanh tiến độ số hóa, “làm sạch” dữ liệu

Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) của tỉnh, về công tác làm sạch dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử, tính đến tháng 11-2023, Công an tỉnh đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư do Bộ Công an giao; thu nhận cấp tài khoản định danh điện tử cho hơn 2,3 triệu hồ sơ, kích hoạt hơn 1,6 triệu tài khoản mức độ 1 và mức độ 2.

Sở Tư pháp đã hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch các giai đoạn tiếp theo.

Về dữ liệu đất đai, hiện Sở TN-MT đã hoàn thành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 11/11 đơn vị cấp huyện với gần 1,9 triệu thửa đất. Đối với dữ liệu ngành LĐ-TBXH, tính đến tháng 11-2023, Sở LĐ-TBXH đã làm sạch dữ liệu trẻ em cho hơn 602,8 ngàn trường hợp; đã rà soát, cung cấp danh sách các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội cho Bộ LĐ-TBXH với tổng số đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên khoảng 85,6 ngàn người.

Đối với dữ liệu về GD-ĐT, tính đến giữa tháng 11-2023, trên cơ sở ngành GD-ĐT đã số hóa trên 786,1 ngàn hồ sơ của cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục lên cơ sở dữ liệu ngành. Về thông tin cá nhân học sinh, học viên trên cơ sở dữ liệu ngành đã làm sạch và xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho hơn 771,5 ngàn học sinh, học viên, trong đó đã xác thực hơn 85,3%... Đối với dữ liệu về bảo hiểm xã hội, tỷ lệ xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội trên toàn tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hơn 97%.

Tại cuộc họp về báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án 06/CP và các mô hình điểm về Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện vào cuối tháng 11 vừa qua, Phó giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh Trần Anh Sơn chia sẻ, một trong những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh là về nguồn nhân lực, trang thiết bị, tỷ lệ người dân chủ động thực hiện dịch vụ công chưa cao. Nguyên nhân một phần là do thao tác còn phức tạp, trình độ và điều kiện sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Việc triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu dịch vụ công còn chậm do có khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, thiết bị, nhân lực, nhất là tại cơ sở.

* Chủ động thực hiện các mô hình điểm về Đề án 06/CP

UBND tỉnh đã ban hành quyết định Phê duyệt chiến lược quản trị dữ liệu của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này được áp dụng cho các hoạt động thu thập, lưu trữ, cập nhật, chia sẻ và sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2023, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện 28/43 mô hình điểm về Đề án 06/CP. Trong đó đối với 24 mô hình thuộc diện có thể thực hiện ngay, đã có 18 mô hình được triển khai thực hiện như: triển khai các dịch vụ công thiết yếu; khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn…; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám bệnh; đảm bảo điều kiện công dân số; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; triển khai hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin giáo viên, học sinh…; số hóa tạo lập dữ liệu trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như hộ tịch, lao động xã hội, các tổ chức, đoàn hội phục vụ cải cách hành chính…

Phó giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh Trần Anh Sơn lưu ý, các đơn vị liên quan cần khẩn trương, tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc số hóa, làm sạch dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là các bộ dữ liệu về hộ tịch, đất đai, lao động - xã hội, bảo hiểm xã hội…

Tương tự, Giám đốc Sở TT-TT, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh Tạ Quang Trường đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc số hóa, làm sạch, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chú trọng công tác an ninh, an toàn thông tin; tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến; chủ động thực hiện các mô hình điểm về Đề án 06/CP trên địa bàn… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, truyền thông về tiện ích của ứng dụng VNeID; góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06/CP vào đời sống người dân.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều
Nơi thuê ip tĩnh giá tốt backup cơ sở dữ liệu sql​ chất lượng cao