Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội

Hải Quân
08:18, 22/07/2024

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi công nghệ để phát triển bền vững hơn. Trong cuộc đua chuyển đổi công nghệ hiện đại, DN nào chậm chân sẽ mất đi cơ hội mở rộng thị trường sang các nước phát triển, đang phát triển.

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giải pháp số, công nghệ số tại hội thảo về Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số ở Đồng Nai. Ảnh: H.Quân
Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giải pháp số, công nghệ số tại hội thảo về Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số ở Đồng Nai. Ảnh: H.Quân

Trong bối cảnh đó, các DN cần phải chủ động, xác định được vị trí của mình trong làn sóng chuyển đổi công nghệ để từ đó có chiến lược phát triển phù hợp, tránh bị lôi vào vòng xoáy chuyển đổi công nghệ mà không biết mình đang ở đâu, làm gì…

Thay đổi tư duy để nâng cao sức cạnh tranh

Vào đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai. PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định Đồng Nai sở hữu vị trí đắc địa, là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng. Đây là tiền đề giúp các DN nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, tự động hóa để nâng cao giá trị sản xuất, tính cạnh tranh.

Để có thể nâng cao sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi công nghệ, DN và địa phương cần phải đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, cơ khí chính xác, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

“Các DN trước hết cần phải chủ động thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản lý, công tác chuyên môn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh hoạt động truyền thông công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời cần tăng cường liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, DN, nhà sản xuất và ngân hàng) để giải quyết các vấn đề thực tế sản xuất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ bền vững” - PGS-TS Đặng Xuân Cường chia sẻ thêm.

Tương tự, TS Nguyễn Duy Tâm, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ quan điểm các xu hướng chuyển đổi số trong DN được ứng dụng mạnh trong cải thiện quy trình nội bộ, cải thiện trải nghiệm dành cho khách hàng, cải tiến và tăng cường phát triển sản phẩm mới và tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển cho các DN dựa trên dữ liệu thông tin phong phú được thu thập dựa trên các nền tảng chuyển đổi số.

Theo nhiều chuyên gia, DN, chuyển đổi công nghệ, tự động hóa trong công nghiệp là sự thay đổi quan trọng trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp hiện nay. Bằng cách sử dụng công nghệ số tiên tiến, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tự động hóa, đã không chỉ nâng cao hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm, mà còn là thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất và kinh doanh truyền thống.

Việc ứng dụng chuyển đổi số cũng được kỳ vọng mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho các DN nói riêng và cho tỉnh nói chung. Trong đó, chuyển đổi số có thể tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN, tăng sự linh hoạt, khả năng thích ứng và sáng tạo, giúp cải thiện quy trình sản xuất, mô hình quản trị nội bộ, quản lý được chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất sản xuất, năng suất lao động của nhân viên trong DN …

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Hồ Quang Nam cho biết, trong năm 2023, công ty đã bước đầu đầu tư cho chuyển đổi công nghệ với số vốn khoảng 20 triệu USD. Theo kế hoạch đã định, từng bước tiếp theo trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện việc chuyển đổi công nghệ tại công ty, hướng đến mô hình nhà máy thông minh, tự động hóa tối đa các công đoạn sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất lao động, giảm chi phí giá thành... để gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường công nghệ cao vốn dĩ cạnh tranh khốc liệt.

Thúc đẩy công nghệ cao, đào tạo nhân lực

Đồng Nai là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước với nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất chế biến, chế tạo, dệt may, giày dép, công nghiệp hỗ trợ...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi công nghệ trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm góp phần nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp của Đồng Nai; cũng như góp phần định hướng thu hút các lĩnh vực đầu tư mới; thúc đẩy phát triển các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, đặc thù cao...

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, trong xu thế công nghệ phát triển, một số giải pháp cho phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh, sạch và bền vững như: tận dụng, khai thác phù hợp các thành tố của cách mạng công nghiệp 3.0 và cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển sản xuất công nghiệp bền vững; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số. Ngoài ra, cần phát triển mô hình khu công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững…

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Võ Hoàng Khai chia sẻ, hiện nay, nhận thức và kiến thức của nhiều cán bộ, DN, người dân về thời cơ cũng như thách thức của nền kinh tế số đối với sự phát triển đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và DN cần tiếp thu những mô hình quản lý mới, ý tưởng sản xuất và kinh doanh mới, đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho những sáng kiến mới được ra đời và phát triển.

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Trong đó, tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số; đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số…

Hải Quân

Tin xem nhiều