Báo Đồng Nai điện tử
En

Của tin còn một chút này...

09:06, 28/06/2019

Trong thông cáo báo chí chiều 23-6, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết, đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ thông tin trong loạt bài điều tra Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt trên Báo Tuổi Trẻ.

Trong thông cáo báo chí chiều 23-6, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết, đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ thông tin trong loạt bài điều tra Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt trên Báo Tuổi Trẻ. Trước đó, khi trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam đã nói: “Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam”. Như vậy là đã rõ, các mặt hàng của Asanzo không phải hàng Việt Nam và càng không phải “hàng Việt Nam chất lượng cao” (đối với 2 sản phẩm được công nhận).

Sự việc Asanzo bị Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao sau bài điều tra của Báo Tuổi Trẻ về hàng điện tử gia dụng thuộc doanh nghiệp này có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được dán nhãn hàng Việt Nam đã gây sửng sốt cho người tiêu dùng và xã hội. Từ câu chuyện này đặt ra hàng loạt câu hỏi và băn khoăn của xã hội cần lời giải đáp.

Từ nhiều năm nay chúng ta đã triển khai rầm rộ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Rất nhiều các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, các hội đoàn, những cá nhân có uy tín đã cùng vào cuộc, cùng tham gia với mong muốn và hy vọng vực dậy nền sản xuất trong nước, kêu gọi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt khi dùng hàng Việt. Có lẽ vì vậy mà các nhãn hàng sản xuất ở Việt Nam, nhất là các nhãn hàng được chứng nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao luôn luôn là lựa chọn của đa số người tiêu dùng Việt Nam. Niềm tin, tấm lòng này của những người tiêu dùng Việt Nam đã không được đền đáp một cách xứng đáng và đã bị lợi dụng mà Khaisilk và Asanzo là những bằng chứng đầy chua xót.

Người tiêu dùng Việt Nam đã rất quen thuộc với các hàng điện tử nổi tiếng trên thế giới từ Sony, Samsung, Toshiba… Thử hỏi, để tạo nên những thương hiệu nổi tiếng này, để tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng, các nhãn hàng nổi tiếng này đã phải vất vả, gian nan và đã phải đi trong khoảng thời gian bao lâu. Vậy thì, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước từ quản lý thị trường, công an kinh tế, cơ quan điều tra chống buôn lậu… đã ở đâu trong các sự việc này? Một nhà máy hằng năm cho ra đời hàng triệu sản phẩm, sản phẩm ấy lại là những cái tivi, tủ lạnh chứ đâu phải cái tăm, cái đinh ốc vít để mà không biết?

Việc tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với nhãn hàng Asanzo mới chỉ từ điều tra của báo chí mà chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan có trách nhiệm phần nào đã thể hiện trách nhiệm của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Nếu Asanzo thật sự gian dối khi cơ quan có trách nhiệm kết luận thì chứng tỏ rằng họ đã qua mặt được tầng tầng lớp lớp các cơ quan quản lý nhà nước suốt nhiều năm qua. Tất nhiên, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng không thể vô can trong vụ việc này, bởi vì cái nhãn mác ấy nên người tiêu dùng mới tin tưởng. Nếu sự thật được phơi bày thì đây cũng là bài học đau đớn để Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xét duyệt kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn khi công nhận các nhãn hàng khác sau này.

Ai sẽ đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi đã mua những sản phẩm như trên. Công luận chắc chắn đang chờ xem việc xử lý của các cơ quan nhà nước. Hàng Việt Nam chất lượng cao, chẳng lẽ “Của tin còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan” (Truyện Kiều).

 Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều