Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn: <br>
- Báo nói 6 tháng đầu năm kinh tế nước mình tăng trưởng tốt, từ kim ngạch xuất khẩu cho tới vốn đầu tư sản xuất đều tăng cao. Nghe cũng thấy mừng.
Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn:
- Báo nói 6 tháng đầu năm kinh tế nước mình tăng trưởng tốt, từ kim ngạch xuất khẩu cho tới vốn đầu tư sản xuất đều tăng cao. Nghe cũng thấy mừng.
Anh Tư Bốn trầm ngâm:
- Về tổng thể thì đúng là có tăng, nhưng đi sâu phân tích tăng trưởng của từng khối doanh nghiệp thì phía sau những con số đẹp vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn, thiếu bền vững đó chú.
Chú Tám lo âu:
- Phân tích sao, bây nói tao nghe với.
Anh Tư Bốn thong thả:
- Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu nhìn chung là tăng, nhưng lại tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tới 72,4%, con số khiêm tốn còn lại là của doanh nghiệp nội, kể cả khu vực nhà nước và tư nhân. Thứ hai, tổng vốn đầu tư cả nước trong quý II ước đạt 377 ngàn tỷ đồng, bằng 109,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với quý I nhưng cũng chủ yếu đến từ khu vực FDI. Trong khi đó, đầu tư ở khu vực ngoài nhà nước lại suy giảm. Ngay cả tăng trưởng lao động cũng tăng ở khối FDI và giảm sút ở khối doanh nghiệp trong nước. Chú thấy đáng lo chưa?
Chú Tám gật đầu:
- Khu vực FDI càng tăng trưởng áp đảo thì kinh tế nước mình càng phụ thuộc, lỡ “ông lớn” nào “sổ mũi, nhức đầu” thì cả nền kinh tế nước mình cũng “sụt sịt” theo, như vụ Samsung thu hồi dòng điện thoại di động bị trục trặc hồi năm ngoái cũng gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nước mình. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI tăng trưởng nhưng giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế không nhiều vì thực tế tỷ lệ nội địa hóa và khả năng cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện của doanh nghiệp trong nước còn ở mức thấp.
Anh Tư Bốn nhấn mạnh:
- Bởi vậy, muốn phát triển bền vững và tránh lệ thuộc, Nhà nước mình càng phải nhanh chóng có các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội, xem đây là yếu tố sống còn chớ đừng “vọng ngoại” nữa.
Ong mật