Chú Tám xe ôm kể:<br>
- Tao coi báo, thấy hình ảnh 2 phụ nữ bán tăm tre bị người dân ở Sóc Sơn đánh đổ máu, ngất xỉu chỉ vì "nghi" là kẻ bắt cóc mà xót xa quá...
Chú Tám xe ôm kể:
- Tao coi báo, thấy hình ảnh 2 phụ nữ bán tăm tre bị người dân ở Sóc Sơn đánh đổ máu, ngất xỉu chỉ vì “nghi” là kẻ bắt cóc mà xót xa quá. Chẳng những vậy, họ còn bị quay clip tung lên mạng, nhiều “anh hùng bàn phím” nhảy vào “se”, “lai”, tổng xỉ vả tơi bời.
Anh Tư Bốn nhíu mày:
- Hôm trước, 2 người đi mua gỗ cũng bị dân ở Thanh Hà đánh, đốt cả xe vì nghi là… bắt cóc, thôi miên. Rồi trước đó 2 thanh niên vô tội cũng bị vây đánh nhừ tử ở Ba Đồn vì nghi vớ vẩn kiểu vậy. Một phụ nữ mắc bệnh tâm thần cũng suýt bị “chầu Hà Bá” ở Diễn Châu vì kiểu nghi tương tự.
Chú Tám ngẩn người:
- Sao lóng rày khắp nơi rộ lên những vụ việc đau lòng này vậy bây?
Anh Tư Bốn giải thích:
- Theo con, có nhiều nguyên do. Trong đó, phải kể đến khá nhiều “ông, bà tám rưỡi” chuyên đăng tin vịt bắt cóc ở nơi này, mất tích ở nơi kia, rồi “se” tùm lum gây hoang mang, bất ổn cho người dân, nhất là những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn nhẹ dạ, cả tin.
Hớp ngụm cà phê, anh Tư Bốn nói tiếp:
- Tuy nhiên, cái chính là người dân nên tự thái độ tuân thủ pháp luật của mình. Những hành vi manh động, tự phát, bạo lực diễn ra trong thời gian vừa qua phần lớn xuất phát từ “tâm lý bầy đàn”, tâm thức coi thường pháp luật, ưa dùng bạo lực trong đời sống. Sự việc xảy ra chưa rõ ràng, lẽ ra phải chờ các cơ quan chức năng điều tra, kết luận, thì người dân lại kích động, lôi kéo nhau “tự xử”, đáp trả những sự việc mà họ cho là tội phạm bằng những hành động dã man, thiếu nhân tính, thậm chí vô tình trở nên phạm tội.
Chú Tám ngẫm nghĩ:
- “Con dại, cái mang”. Dân sai, thì phải trách ai đây? Tao nghĩ, chính quyền của mình phải tìm giải pháp để công tác tuyên truyền pháp luật có thực chất hơn nữa, “sống và làm việc theo pháp luật” thật sự chớ không phải chỉ là khẩu hiệu, có như vậy xã hội mới bình an, bớt đi bất ổn.
Ong mật