Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn:
- Nè, cộng đồng mạng đang xôn xao vì bài kiểm tra môn Văn phát biểu cảm nghĩ ngày tết của một học sinh. Đại khái, em nhỏ này không thích tết vì thương mẹ phải vất vả dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng phục vụ khách, nhọc nhằn quá nên mẹ "quát" cả nhà, khiến không khí ngày tết mất vui.
Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn:
- Nè, cộng đồng mạng đang xôn xao vì bài kiểm tra môn Văn phát biểu cảm nghĩ ngày tết của một học sinh. Đại khái, em nhỏ này không thích tết vì thương mẹ phải vất vả dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng phục vụ khách, nhọc nhằn quá nên mẹ “quát” cả nhà, khiến không khí ngày tết mất vui.
Anh Tư Bốn gật gù:
- Dân mạng cũng tranh cãi, nghi ngờ đây là bài văn “ảo”. Con thì không quan tâm thật - giả, chỉ quan tâm đến cái kết của bài: “Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi!”, nghe cảm xúc quá.
Chú Tám đồng tình:
- Tao cũng thấy vậy. Ý nghĩa lớn lao nhất của ngày tết là mọi thành viên trong gia đình được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong một năm mới yên bình. Ngày tết là dịp cùng nhau chia sẻ yêu thương, cùng nhau xây đắp tình đoàn kết. Quá tập trung vào ba cái chuyện lặt vặt như dọn dẹp, ăn uống, mất hết ý nghĩa ngày tết.
Anh Tư Bốn bổ sung:
- Đâu chỉ có vậy. Nhiều người còn xem tết là dịp ăn chơi thả ga, chi tiêu rất nhiều cho chuyện mua sắm, tiêu xài, thiệt là lãng phí. Chưa kể mấy ông ma men cứ “tết mà”, nhậu nhẹt lu bù vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ mất an toàn giao thông do lái xe khi say xỉn, vừa có thể gây mất an ninh trật tự bởi những vụ cự cãi, đánh nhau khi có hơi men.
Chú Tám ngẫm nghĩ:
- Tết truyền thống vẫn nên giữ, nhưng giữ là giữ cái hồn, giữ ý nghĩa tốt đẹp của ngày tết. Chớ để mất vui rồi mấy đứa nhỏ xoay ra “ngán” tết thì hổng hay chút nào.
Ong mật