Chú Tám xe ôm thắc mắc:<br>
- Tao hổng hiểu bộ phim Diên Hi công lược do Trung Quốc sản xuất có cái gì hay mà hổm nay từ bà vợ già của tao cho tới mấy đứa cháu nhỏ đều mê lăn lóc, lo coi phim bỏ cả ăn ngủ.
Chú Tám xe ôm thắc mắc:
- Tao hổng hiểu bộ phim Diên Hi công lược do Trung Quốc sản xuất có cái gì hay mà hổm nay từ bà vợ già của tao cho tới mấy đứa cháu nhỏ đều mê lăn lóc, lo coi phim bỏ cả ăn ngủ.
Anh Tư Bốn cười:
- Con cũng có coi mấy tập đầu của phim. Công nhận là bộ phim hấp dẫn thiệt. Vợ con ghiền tới nỗi bả còn lên mạng tìm kiếm thông tin về các nhân vật trong phim như: vua Càn Long, Phú Sát hoàng hậu, Lệnh phi để đối chiếu với phim. Mà chuyện này có gì mới đâu chú. Hồi trước dân mình cũng mê tơi tả mấy bộ phim lịch sử của Trung Quốc như: Hoàn Châu cách cách, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Mỹ nhân tâm kế, Võ Tắc Thiên. Phim lịch sử Hàn Quốc cũng nhiều bộ “đốn tim” dân mình như: Truyền thuyết Jumong, Hoàng hậu Ki…
Chú Tám càng thắc mắc:
- Sao phim về đề tài lịch sử thiên hạ làm thu hút khán giả tới vậy mà điện ảnh nước mình lại “làm lơ” mảng này vậy ta?
Anh Tư Bốn lắc đầu:
- Thấy thì dễ nhưng làm đâu có dễ, chú. Phim muốn hấp dẫn khán giả đầu tiên phải có tính giải trí, phải thu hút từ kịch bản, diễn xuất, cảnh quay cho tới phục trang. Gì chứ ở lĩnh vực này không thể hô hào, cổ động “người Việt dùng hàng Việt” được. Trong khi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc đều có chiến lược quảng bá văn hóa thông qua phim ảnh, khéo léo lồng ghép các yếu tố từ văn hóa, ẩm thực, trang phục, y học, lịch sử vào phim, thì tới nay chiến lược của phim ảnh nước mình là gì vẫn chưa thấy.
Chú Tám thở dài:
- Học trò ở trường thì chán học lịch sử, trong phim ảnh thì lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc làm mưa làm gió, chẳng trách sao không ít người trẻ còn lơ mơ về lịch sử của đất nước mình.
Ong mật