Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm tính

11:10, 24/10/2018

Chú Tám xe ôm cười ha hả:<br>

- Mấy ngày nay thiên hạ "ì xèo" chuyện ông thợ hồ có 100 đô, đem bán được có hơn 2,2 triệu đồng mà bị cơ quan chức năng phạt tới 90 triệu đồng.

Chú Tám xe ôm cười ha hả:

- Mấy ngày nay thiên hạ “ì xèo” chuyện ông thợ hồ có 100 đô, đem bán được có hơn 2,2 triệu đồng mà bị cơ quan chức năng phạt tới 90 triệu đồng. Hên quá, hôm tết thằng cháu Việt kiều về cũng cho tao 100 đô, may mà tao cất kỹ làm kỷ niệm, chớ lỡ kẹt tiền đem bán thì chắc phải chạy cỡ  900 cuốc xe ôm mới đủ tiền nộp phạt.

Anh Tư Bốn cười hỏi:

- Vậy theo chú, ông thợ hồ đó bị phạt trúng hay trật?

Chú Tám trợn mắt:

- Giỡn hoài, bây. Luật đã quy định cấm mua bán ngoại tệ trái phép mà. Mình thấy hoàn cảnh ổng nên cảm thấy tội nghiệp vì mức phạt quá cao so với thu nhập, nhưng nếu vì vậy mà “du di” thì còn gì tính nghiêm minh của luật pháp. Cũng không thể đem việc “em hổng biết” ra bào chữa. Hiểu biết về những điều căn bản của pháp luật là trách nhiệm lẫn quyền lợi của công dân. Bằng không, mai mốt mấy người bán ma túy cũng đổ thừa do hổng biết thì toi.

Anh Tư Bốn lại hỏi:

- Nếu vậy, trong việc này có cái gì để tranh luận?

Chú Tám gãi đầu:

- À, một số người cho rằng đối với trường hợp kiểu như ông thợ hồ thì tịch thu ngoại tệ trái phép là được rồi, không cần thiết phải phạt vì không khả thi mà nên tập trung xử phạt nặng những nơi kinh doanh ngoại tệ trái phép như cái tiệm vàng đổi đô cho ông thợ hồ. Nhà nước cũng nên niêm yết rõ nơi nào được phép mua bán ngoại tệ, rồi thủ tục mua bán ngoại tệ cũng cần đơn giản hơn.

Anh Tư Bốn gật đầu:

- Ý kiến của người dân cũng có lý. Vấn đề nào trong luật còn “lấn cấn”, chưa phù hợp với thực tế thì cần được phản ảnh đến cơ quan chức năng để kiến nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, ngày nào mà luật chưa sửa đổi, điều chỉnh thì vẫn là điều mà mọi người cần tuân thủ. Đừng dùng cảm tính kiểu “tội nghiệp” để soi xét, xử lý vụ việc, đó cũng là một cách thượng tôn pháp luật.

Ong Mật

 

Tin xem nhiều