Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhầm vai

07:08, 22/08/2011

Tôi từng tham dự các lần tiếp xúc cử tri, nhưng quả thật chưa lần tiếp xúc nào lại để nhiều ấn tượng không hay như buổi tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri ở một địa phương trong tuần qua.

Tôi từng tham dự các lần tiếp xúc cử tri, nhưng quả thật chưa lần tiếp xúc nào lại để nhiều ấn tượng không hay như buổi tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri ở một địa phương trong tuần qua.

Trước khi đi vào nội dung chính của buổi tiếp xúc, một cán bộ của huyện được giao nhiệm vụ điều hành buổi tiếp xúc đã “quán triệt” cử tri rằng: trong những ngày đầu tháng 8, đại biểu HĐND tỉnh và huyện đã có tiếp xúc với cử tri rồi. Tại các buổi tiếp xúc đó, cử tri đã kiến nghị và được giải đáp nhiều ý kiến, hôm nay tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri chỉ nêu ý kiến những vấn đề mang tính xây dựng đất nước, không phát biểu ý kiến cá nhân… Những lời “quán triệt” trên là không sai, nhưng với cách nói của vị cán bộ đó đã làm không khí hội trường lắng lại.

Chính vì lẽ đó mà khoảng 10 phút sau, sau rất nhiều lần mời phát biểu, một cử tri lớn tuổi mới đứng lên có ý kiến bày tỏ lo ngại khi nghe chuẩn bị xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai và đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến về vấn đề này. Khi cử tri vừa dứt lời, vị cán bộ đó lập tức hỏi ngay: “Xin lỗi, anh nói rõ hơn việc xây dựng thủy điện đó ở đâu, chỗ nào?”. Nghe thấy vậy, cả hội trường ồ lên. Vấn đề lớn đang được nhiều người quan tâm, chẳng lẽ vị cán bộ đó lại không biết?

Chưa hết, khi một cử tri khác có ý kiến đã từng tham gia kháng chiến, nhưng những ngày lễ, tết lại chưa nhận được sự thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần của các cấp. Nghe ý kiến này, vị cán bộ đó lại trả lời: “Công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện thời gian qua rất được chú trọng. Tuy nhiên, anh cũng thông cảm, số đối tượng chính sách của huyện khá nhiều, vì thế huyện chỉ tập trung chăm lo được cho những đối tượng còn khó khăn. Gia đình anh sống và làm ăn tốt rồi, anh thông cảm để dành việc thăm hỏi này cho người khác”. Nghe vị cán bộ đó nói, không chỉ cử tri mà cả đại biểu Quốc hội cũng phải bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng, vị cán bộ đó đã không chịu hiểu đúng tâm tư của cử tri. Cử tri chỉ mong muốn được các cấp chính quyền thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần, chứ đâu cần vật chất, quà cáp này nọ mà phải nhường cho người khác!

Một cử tri có ý kiến: “Trước đây tôi tham gia dân quân, vừa qua địa phương có hướng dẫn tôi làm các thủ tục để hưởng chế độ này. Tuy nhiên, để làm được cần phải có hai người xác nhận tôi đã từng tham gia. Nhưng hiện nay, trong số những người cùng tham gia với tôi chỉ còn sống một người. Tôi đề nghị Nhà nước cần xem xét lại các quy định để phù hợp với thực tế cuộc sống”. Vẫn cách nói như trên, vị cán bộ đó “phán”: “Có thế mà chị cũng phải ý kiến. Luật đã quy định như thế thì chị phải chấp hành. Chị ý kiến với đại biểu Quốc hội thì đại biểu Quốc hội cũng sẽ trả lời là phải làm theo luật thôi. Đại biểu Quốc hội đâu có trả lời cho chị khác được!”.

Cứ như vậy, sau mỗi lần cử tri có ý kiến là vị cán bộ huyện lập tức “quán triệt” điều này, điều nọ cho cử tri ngay. Thậm chí, đại biểu Quốc hội chưa có ý kiến gì thì vị cán bộ này đã vội thay lời đại biểu Quốc hội trả lời cho cử tri. Trong khi đó, vai trò của vị cán bộ này trong buổi tiếp xúc cử tri chỉ là giới thiệu chương trình, giới thiệu nội dung và thành phần của buổi tiếp xúc cử tri.

Quỳnh Anh

 

Tin xem nhiều