Khoảng 10 - 15 năm về trước, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện hàng loạt các đại gia có vốn trong nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) như: Thanh Bình với biểu tượng “Con heo đỏ”, Vina với “Mặt trời đỏ”, Long Châu với “ba hạt gạo”…
Khoảng 10 - 15 năm về trước, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện hàng loạt các đại gia có vốn trong nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) như: Thanh Bình với biểu tượng “Con heo đỏ”, Vina với “Mặt trời đỏ”, Long Châu với “ba hạt gạo”… Đồng thời, Đồng Nai cũng đã có những nhà đầu tư nước ngoài lớn chuyên ngành về TĂCN như: CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Proconco (liên doanh Pháp với Đồng Nai). Vào thời đó, cán cân cạnh tranh giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chưa có sự chênh lệch nhiều. Hầu hết các DN sản xuất TĂCN ở Đồng Nai đều phát triển thị phần rộng ra toàn quốc và đầu tư xây nhà máy ở miền Bắc.
Ai cũng nghĩ rằng, Đồng Nai là “thủ phủ” của chăn nuôi heo, gà của cả nước, là địa phương có nguồn nông sản khá dồi dào cho sản xuất TĂCN thì các DN trong nước trưởng thành ngay trên mảnh đất này ắt hẳn sẽ phát triển và cạnh tranh vững vàng! Ai dè, đến nay mọi người mới té ngửa khi các DN trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng về TĂCN đã “nhường” phần lớn thị trường cho các DN ĐTNN. Theo một chuyên gia ngành chăn nuôi, chỉ riêng nhóm các công ty ĐTNN lớn đã chiếm khoảng 50% tổng lượng sản xuất TĂCN, còn tính chung thì các công ty ĐTNN chiếm đến 70% sản lượng của Việt Nam.
Trên địa bàn Đồng Nai, thời gian qua ngày càng xuất hiện nhiều DN ĐTNN về lĩnh vực TĂCN và nhanh chóng phát triển như vũ bão. Điển hình về sự thành công trong lĩnh vực sản xuất giống (cây trồng và vật nuôi), TĂCN và tổ chức nuôi gia công là CP Việt Nam đã đạt doanh thu năm 2010 lên tới hơn 1 tỷ USD. Sau 18 năm có mặt tại VN, CP Việt Nam trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và chiếm thị phần lớn nhất trong nhiều ngành nghề chăn nuôi, hiện đang nắm giữ 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị trường trứng gà công nghiệp, 18-20% thị phần thức ăn gia súc và nắm 5% tổng đàn heo của VN.
Một sự phát triển vượt bậc điển hình khác là Tập đoàn Anco, liên doanh giữa Malaysia với Việt Nam về sản xuất TĂCN kết hợp với chăn nuôi và chế biến thực phẩm (có nhà máy ở Đồng Nai). Cách đây 10 năm công ty khởi đầu chỉ với 10 nhân viên, bây giờ đã có đến 1.100 nhân viên, vượt hơn 100 lần. Năm thứ nhất, doanh số của Anco là 1 tỷ đồng thì 10 năm sau (2011) dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng. Cách nay 20 năm, Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc ( Proconco) với biểu tượng là “Con Cò” đã khởi nghiệp từ một nhà máy đầu tiên gần bên dòng sông Đồng Nai nằm trong KCN Biên Hòa 1 với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng và 100 lao động. Đến nay, vốn của doanh nghiệp đã tăng lên 1.000 tỷ đồng với 1.300 cán bộ, công nhân. Năm 2010, sản lượng sản xuất của Proconco đạt 1,2 triệu tấn, doanh thu 9.700 tỷ đồng...
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cám Thanh Bình kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, chua chát thừa nhận: “Thua đậm trên sân nhà phần lỗi do chính DN Việt Nam, vì đã không biết tranh thủ nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển bền vững. Có biểu hiện chủ quan trong kinh doanh. Đồng thời, tư duy về chiến lược phát triển thị trường, sản phẩm và kiến thức cạnh tranh của DN trong nước còn thua kém DN ĐTNN. Đây là bài học rất sâu sắc cho DN Việt Nam nói chung trong tiến trình hội nhập kinh tế với thế giới”.
Xuân Phú